Thông cáo báo chí số 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Thứ ba, ngày 22/10/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thứ Ba, ngày 22/10/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Duy Linh) |
BUỔI SÁNG
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: (i) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027. (ii) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027. (iii) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tại phiên thảo luận có 12 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nhiều nội dung trong dự án Luật. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, bổ sung một số nội dung cụ thể, như: chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược; tiêu chuẩn dược liệu làm thuốc, kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử; về quản lý giá thuốc; các biện pháp quản lý giá thuốc (kê khai giá thuốc, công bố giá thuốc, đấu thầu thuốc, quản lý chuỗi nhà thuốc, sàn giao dịch về thuốc, nhà thuốc bán lẻ…); quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; cung ứng thuốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; chuyển đổi số trong hoạt động của ngành dược;…
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
(Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam).
BUỔI CHIỀU
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe: (i) Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu. (ii) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. (iii) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 12 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự; thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; các biện pháp bảo vệ và bảo vệ thông tin trong phòng, chống mua bán người; mua bán bào thai; cưỡng bức lao động; quyền và trách nhiệm cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm; phát hiện hành vi vi phạm; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân; đối tượng và chế độ hỗ trợ cho nạn nhân về tâm lý, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phiên dịch; giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy xác nhận nạn nhân; tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu, nạn nhân từ nước ngoài trở về; giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra; bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người;…
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ tư, ngày 23/10/2024
Sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam).