Kinh tế

Kinh tế số Đắk Nông và mục tiêu tăng trưởng 12-20%

Lê Dung 22/10/2024 06:48

Đắk Nông đang triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thuận tiện trong thanh toán

Một trong những dấu ấn nổi bật trong quá trình chuyển đổi số tại Đắk Nông là mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.

img_1597.jpg
Việc thanh toán qua mã QR đã trở thành thói quen của nhiều người dân khi đi mua hàng

Mô hình này không chỉ phổ biến tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, mà còn lan rộng ra các chợ dân sinh. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số của tỉnh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh.

Tại các cửa hàng và tạp hóa trên địa bàn Đắk Nông, việc thanh toán qua mã QR hoặc ví điện tử đã trở thành thói quen của nhiều người dân.

Các biển thông báo mã QR, kèm thông tin chủ tài khoản xuất hiện phổ biến tại nhiều địa điểm kinh doanh. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đã có thể thực hiện thanh toán.

img_0407.jpg
Các tiểu thương không phải lo ngại về vấn đề tiền giả, không cần chuẩn bị tiền lẻ để trả lại khi thanh toán không dùng tiền mặt

Bà Phan Thu Sương ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: "Sau khi được hướng dẫn, tôi đã sử dụng thành thạo hình thức thanh toán này. Nó rất đơn giản, bảo mật tốt và đặc biệt là giảm bớt rủi ro khi giao dịch bằng tiền mặt”.

Đối với các tiểu thương, thanh toán không dùng tiền mặt cũng mang lại nhiều lợi ích. Họ không phải lo ngại về vấn đề tiền giả, không cần chuẩn bị tiền lẻ để trả lại.

Quá trình giao dịch với các khách hàng cũng trở nên thuận lợi hơn. Người tiêu dùng khi đi chợ không cần mang theo nhiều tiền mặt, giúp tăng tính an toàn và vệ sinh.

img_1933.jpg
Đắk Nông đã hỗ trợ đưa 1.161 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 4.268 đơn vị áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, bao gồm: 2.910 doanh nghiệp, 427 tổ chức và 931 cá nhân. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%, cho thấy sự quyết tâm của địa phương trong việc chuyển đổi số toàn diện.

Đắk Nông đã hỗ trợ đưa 1.161 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, với tổng số giao dịch đạt 27.528 lượt. Đồng thời, 111.390 hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin, tương đương 65,8% tổng số hộ và 135.711 hộ được đào tạo về kỹ năng số, đạt tỷ lệ 80,2%.

Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu

Theo Đề án Chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông, đến năm 2030, địa phương sẽ phấn đấu trở thành tỉnh có mức độ chuyển đổi số trung bình khá trong cả nước, với một môi trường số an toàn, tiện ích và đồng bộ. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh sẽ đạt từ 12-20%.

img_1872.jpg
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số sẽ đạt từ 12-20%

Một trong những mục tiêu quan trọng là chuẩn hóa và cập nhật 100% các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt: công nghiệp alumin và luyện nhôm, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.

Đắk Nông đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là những chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ chuyển đổi số.

Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn sẽ được triển khai sâu rộng. Đắk Nông sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số.

img_8398.jpg
Đắk Nông ưu tiên phổ biến các kiến thức về công nghệ số, mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo

Đối với việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số cũng được tỉnh ưu tiên. Trong đó sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ số. Từ đó để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng dữ liệu số trong các ngành, lĩnh vực.

Đắk Nông sẽ nâng cấp, mở rộng sàn thương mại điện tử của tỉnh trên môi trường số theo chuỗi giá trị. Trong đó sẽ kết nối đầy đủ các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Thông qua các sàn thương mại điện tử sẽ ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm của hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân lên quảng bá trên môi trường mạng…

Lê Dung