Quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia trên đà phát triển mạnh mẽ
Mối quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia đã và đang không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực trong suốt 25 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/10/1999.
Việt Nam-Saudi Arabia có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt, bằng chứng sinh động là hai nước đã trở thành đối tác khu vực quan trọng của nhau.
Mối quan hệ ấy đã và đang không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực trong suốt 25 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/10/1999.
Quan hệ chính trị-ngoại giao phát triển tốt đẹp
Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều điểm tương đồng. Hai dân tộc đều có nền văn hóa lâu đời và niềm tự hào về lịch sử của dân tộc mình. Cả hai nước đều nằm ở những vị trí chiến lược quan trọng, là hai nền kinh tế phát triển năng động ở hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, đều đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
25 năm chưa phải quãng thời gian quá dài, song đã vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước phát triển mỗi ngày một sâu rộng và thực chất hơn. Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy và trở thành những đối tác hàng đầu của nhau tại khu vực.
Những năm qua, hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đoàn các bộ, ngành, cũng như mở ra các diễn đàn đầu tư để góp phần tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân.
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước đã diễn ra rất sôi động. Đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al-Saud vào tháng 3/2022; kỳ họp Tham vấn chính trị lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao tại Saudi Arabia tháng 2/2023 đã giúp củng cố hơn nữa quan hệ song phương.
Mới đây nhất, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tới Saudi Arabia (từ ngày 18-20/10/2023) đã góp phần nâng tầm quan hệ hai nước, đóng góp tích cực vào việc kết nối hai tổ chức khu vực là Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là chuyến công tác đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia và là chuyến thăm thứ 2 của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 13 năm kể từ chuyến thăm đầu tiên năm 2010.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo bước đột phá trong tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam vào Saudi Arabia và cả thị trường Hội đồng Hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là về thu hút vốn đầu tư, mở rộng thương mại, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng bền vững, lao động tay nghề cao, phát triển ngành Halal, xuất khẩu nông thủy sản và du lịch.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia và ký kết 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, ngoại giao, phòng, chống tội phạm, du lịch và xúc tiến thương mại, qua đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hai nước phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Saudi Arabia tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và GCC, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Saudi Arabia tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới.
Saudi Arabia - đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông
Bên cạnh lĩnh vực chính trị-ngoại giao, hợp tác kinh tế-thương mại cũng là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia.
Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 2,68 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,21 tỷ USD.
Một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, chè, hạt tiêu, càphê, cao su, hàng may mặc, thủy-hải sản... rất được người tiêu dùng Saudi Arabia ưa chuộng. Trong khi đó, nhu cầu của Việt Nam đối với các sản phẩm hóa dầu, nguyên liệu thô của Saudi Arabia cũng đang ngày càng tăng, đóng góp vào việc duy trì ổn định kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cảng biển, thực phẩm Halal, du lịch, đổi mới sáng tạo...
Tính đến tháng 9/2024, Saudi Arabia đứng thứ 79/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 8 dự án, tổng vốn đăng ký là 8,57 triệu.
Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Saudi Arabia đã và đang triển khai hiệu quả nhiều dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép... Trong đó, dự án nhà máy thép Zamil Steel, Tập đoàn Sabic thành lập Công ty TNHH Sabic Việt Nam chính là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa hai nước.
Việt Nam và Saudi Arabia đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng (hóa dầu, năng lượng xanh), đầu tư, công nghiệp chế tạo, văn hóa, công nghiệp Halal, nhất là hợp tác phát triển du lịch, thể thao.
Với việc Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030,” đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, hai nước có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác khi Saudi Arabia là một trong những đối tác và thị trường ưu tiên của Việt Nam về Halal.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp. Saudi Arabia là quốc gia có diện tích sa mạc rất lớn và khí hậu không thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khá nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản và thực phẩm, giữa lúc quốc gia Trung Đông đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm an ninh lương thực.
Về hợp tác phát triển, Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD) tại Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Saudi Arabia và Việt Nam trong 25 năm qua.
Tính đến nay, Quỹ Phát triển Saudi Arabia đã cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam với tổng trị giá hơn 181 triệu USD với 13 dự án. Trong đại dịch COVID-19, Saudi Arabia cũng chia sẻ với Việt Nam bằng cách cung cấp viện trợ y tế trị giá 500.000 USD thông qua Trung tâm cứu trợ và nhân đạo Quốc vương Salman.
Nhằm khai thông nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, Quỹ đầu tư công 620 tỷ USD của Saudi Arabia đã cam kết dành nguồn lực nhiều hơn cho các dự án lớn phát triển hạ tầng của Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn của Saudi Arabia khẳng định sẽ xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thép, thép tiền chế, bán lẻ, nông nghiệp và năng lượng sạch và mong muốn qua Việt Nam mở rộng mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp này sang các nước ASEAN.
Hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam tại Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, kỹ thuật, khách sạn và nội trợ. Hơn nữa, Việt Nam và Saudi Arabia đang làm việc để thông qua một thỏa thuận hợp tác lao động mới dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai gần. Thỏa thuận lao động này sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Tiếp tục đưa quan hệ lên tầm cao mới
Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia khi hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/10/1999-21/10/2024).
Với thành tựu đầy ấn tượng đã đạt được và với mong muốn, quyết tâm của Chính phủ, nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác hai nước sẽ không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân..., vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Tại Lễ kỷ niệm 94 năm Quốc khánh Saudi Arabia (1930-2024) và 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Saudi Arabia (1999-2024) do Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam tổ chức ngày 23/9/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định chặng đường 25 năm quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia vun đắp cho tình hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển sâu sắc và thực chất hơn.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều điểm tương đồng khi thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên số và nền kinh tế xanh.
Các kế hoạch dài hạn của cả hai quốc gia, như tầm nhìn Việt Nam đến năm 2030 và 2045, và Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, đều phù hợp các xu hướng toàn cầu này.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng Việt Nam và Saudi Arabia cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, biến sự ngưỡng mộ lẫn nhau thành những kết quả hữu hình, biến khát vọng phát triển của mỗi quốc gia thành động lực và cơ hội để mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, cùng thúc đẩy tăng trưởng cho cả hai nước và hai khu vực.
Cũng tại buổi lễ, Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy khẳng định, Saudi Arabia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và chính những điều này làm nổi bật mối quan hệ vững chắc giữa hai nước.
Cả hai nước đều nằm ở những vị trí chiến lược quan trọng, cùng đặt trọng tâm vào sự phát triển với những tầm nhìn tương lai. Đại sứ cho biết hai nước đã vun đắp mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tinh thần hợp tác và cùng có lợi và mong đợi sự hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nước trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững và giao lưu nhân dân.
Đại sứ nhấn mạnh Saudi Arabia và Việt Nam đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu với các chính sách đối ngoại hướng đến thúc đẩy sự ổn định thông qua đối thoại, hợp tác và chủ nghĩa đa phương.
Hướng đến tương lai, Saudi Arabia mong đợi sự hợp tác sâu sắc hơn với Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững và giao lưu nhân dân.
Với nền tảng vững chắc được xây dựng trong 25 năm qua, thế mạnh và tiềm năng riêng của mỗi quốc gia, cùng cam kết của các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia chắc chắn sẽ đạt đến tầm cao mới trong tương lai, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.