Đời sống

Các huyện nghèo ở Đắk Nông tăng tốc giảm nghèo

Đặng Dương 21/10/2024 06:30

Tuy Đức và Đắk Glong là 2 huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Cả 2 địa phương đang “tăng tốc” thực hiện các chương trình, chính sách, giúp người dân giảm nghèo bền vững, từng bước thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.

“An cư” cho hộ nghèo

Sau nhiều năm ở trong căn nhà tạm bợ, dột nát, niềm vui đến với gia đình anh K’Thắng, bon Sanar, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong khi mới đây được Nhà nước hỗ trợ đất ở, nhà ở với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Căn nhà cấp 4 khang trang, kiên cố và được xây dựng trên mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạo động lực để gia đình anh K’Thắng tự tin thoát nghèo.

img_0880.jpg
Anh K'Thắng (bên phải) được sống trong Nhà mới từ sự hỗ trợ của nhà nước

Anh K’Thắng chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi làm có vài sào đất rẫy, chỉ đủ ăn với nuôi 3 con đi học nên không đủ tiền mua đất, làm nhà. Khi có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, bố mẹ đã cắt cho tôi một phần đất và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện đo đạc, cấp sổ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV). Cuối năm 2023, cùng với họ hàng hỗ trợ, tôi đã vay mượn thêm một ít tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm nhà. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo. Cuối năm nay, tôi phấn đấu thoát hộ cận nghèo”.

Ngoài gia đình anh K’Thắng, còn 10 hộ khác của xã Đắk R’măng cũng được hỗ trợ đất ở và 12 hộ khác được hỗ trợ nhà ở. Từ nay đến cuối năm, xã Đắk R'măng tập trung nguồn lực, phấn đấu hỗ trợ hết cho các đối tượng theo kế hoạch.

Ông Trần Minh Báu, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng cho biết, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã đề xuất hỗ trợ xây dựng 42 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và đã được huyện phân bổ kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng (vốn năm 2022). Năm 2023, xã tiếp tục được huyện phân bổ thêm 3,6 tỷ đồng để thực hiện dự án.

“Đắk R’măng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 22,73%. Bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, địa phương còn huy động nguồn lực xã hội hóa để người dân có nơi ở kiên cố, ổn định. Chính sách “an cư” đã mang lại kết quả khả quan cho công tác giảm nghèo của xã, qua đó góp phần đưa huyện Đắk Glong từng bước thoát khỏi tình trạng huyện nghèo của cả nước”, ông Trần Minh Báu cho biết.

img_0890.jpg
Hộ nghèo xã Đắk R'măng được hỗ trợ dê để tạo sinh kế thoát nghèo

Quyết tâm thoát nghèo năm 2025

Thực hiện phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã có nhiều mô hình, hoạt động chung tay giúp đỡ hội viên nghèo, người yếu thế hiệu quả; trong đó có mô hình Tổ phụ nữ tiết kiệm Chi hội Phụ nữ bon Bu Lum.

Với mức vận động 100.000 đồng/hội viên/tháng, sau 9 năm hoạt động, Chi hội Phụ nữ bon Bu Lum đã thành lập được 2 tổ tiết kiệm với 56 hội viên tham gia. Từ số tiền tiết kiệm hơn 330 triệu đồng, tổ đã giúp cho 15 hội viên vay vốn để làm sinh kế, vượt qua khó khăn.

Chị Mai Thị Thu Sương, hội viên Chi hội Phụ nữ bon Bu Lum cho biết, gia đình chị thuộc hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia tổ phụ nữ tiết kiệm, chị Sương được vay vốn để mua phân bón, vật tư nông nghiệp đầu tư sản xuất, canh tác vườn cây tốt hơn so với trước đây.

“Tôi rất vui vì được Chi hội Phụ nữ bon Bu Lum quan tâm, cho vay vốn để đầu tư sản xuất. Số tiền này là nguồn lực để gia đình tôi đầu tư vườn rẫy, tăng thu nhập và tạo động lực để gia đình thoát nghèo bền vững”, chị Mai Thị Thu Sương cho hay.

Hộ nghèo xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được cấp phát bò giống, tạo sinh kế thoát nghèo
Hộ nghèo xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được cấp phát bò giống, tạo sinh kế thoát nghèo

Những năm qua, huyện Tuy Đức đã tập trung mạnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, địa phương tạo điều kiện cho người dân vay vốn mở rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao. Hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ thực hiện các mô hình nuôi trâu, bò và dê sinh sản…

Tổng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia bố trí cho huyện Tuy Đức trong giai đoạn 2021-2025 là trên 850 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng, tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo của địa phương.

img_9292.jpg
Từ nguồn vốn giảm nghèo, nhiều tuyến đường của huyện Tuy Đức được đầu tư, nâng cấp, góp phần giảm nghèo bền vững

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, mặc dù kết quả giảm nghèo hàng năm của huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn cao.

Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo năm 2024 và đưa huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào năm 2025, huyện Tuy Đức tiếp tục tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

“Huyện Tuy Đức cũng đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, chính sách; tạo điều kiện cho người nghèo từng bước tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của huyện”, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Đinh Ngọc Nhân cho hay.

Phân cấp cho 2 huyện nghèo

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện Đắk Glong là 13,44% và huyện Tuy Đức là 18,78%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tuy Đức được phân bổ hơn 567 tỷ đồng và hơn 700 tỷ đồng phân bổ cho huyện Đắk Glong. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã cụ thể hóa thành 7 dự án thành phần, trong đó có hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Ngày 25/6, tại Kỳ họp Chuyên đề lần thứ 10, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm phân cấp cho HĐND huyện Đắk Glong và Tuy Đức quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo HĐND tỉnh Đắk Nông, đây là 2 huyện nghèo, có tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh. Cả 2 huyện đang thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và được phân bổ nguồn vốn lớn. Việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong công tác quản lý, thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình, chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đặng Dương