Giáo dục - Đào tạo

Xã hội hóa trong giáo dục - Giảm áp lực cho nhà trường, phụ huynh

Đặng Dương 19/10/2024 13:29

Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, các cá nhân, tổ chức xã hội đã tham gia đóng góp, hỗ trợ, chia sẻ với ngành Giáo dục. Chủ trương này không chỉ góp phần bảo đảm chất lượng dạy, học mà còn giúp giảm bớt gánh nặng, áp lực cho cả phụ huynh lẫn nhà trường.

Trường lớp khang trang nhờ xã hội hóa

Chứng kiến cảnh những đứa trẻ hàng ngày phải đi học từ 4h sáng, nhiều đứa trẻ chịu cảnh thất học, mù chữ nên năm 2019, gần 300 hộ dân tại cụm dân cư số 8, 10, 11, 12 của xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã góp tiền, mua một mảnh đất rộng 1,3ha để xây trường.

Theo các hộ dân, khu đất này bằng phẳng, thuận tiện cho việc đi lại nên bà con đồng tâm, góp của mua. Mỗi hộ dân đã đóng góp khoảng 2 triệu đồng, đền bù tài sản trên đất và san lấp mặt bằng. Sau đó, mọi người đã hiến tặng lại khu đất cho Trường tiểu học La Văn Cầu để xây dựng một điểm trường.

Bai 1-H3
Điểm Trường tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư số 8 do người dân hiến đất, doanh nghiệp tài trợ xây dựng

Anh Giàng Seo Chính, Cụm dân cư số 8, người đề ra chủ trương này chia sẻ, đời sống bà con tại các cụm dân cư rất khó khăn nhưng ai cũng mong muốn con cái được đi học và không phải đi học xa nhà. Khi đưa ra chủ trương mua tặng đất để xây điểm trường, bà con đều đồng ý.

Từ mảnh đất được hiến tặng, cuối năm 2019, một doanh nghiệp có trụ sở tại TP. Hà Nội đã hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng, xây dựng điểm trường 5 phòng học, phục vụ cho hơn 100 học sinh của 4 cụm dân cư. Điểm trường đã giúp trẻ em trong vùng có điều kiện đi học và trở thành nơi để xóa mù chữ cho nhiều người lớn mỗi khi đêm về.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, từ quỹ đất mà phụ huynh hiến tặng, ngành Giáo dục huyện Đắk Glong tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng khu nhà nội trú giáo viên, thư viện và 2 phòng học. Cơ sở vật chất khang trang, mở rộng đã đáp ứng cơ bản việc dạy và học, đồng thời động viên giáo viên bám trường, bám lớp ở một trong số những nơi khó nhất của tỉnh Đắk Nông.

bai 1_H1
Các tổ chức, cá nhân tặng quà là đồng phục cho học sinh Trường mầm non Tân Lập Thành (TP. Gia Nghĩa)

Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số của Trường tiểu học La Văn Cầu chiếm trên 70%. Việc các tổ chức, cá nhân quan tâm, hỗ trợ, đầu tư để nhà trường có cơ sở vật chất tốt hơn thực sự mang lại giá trị to lớn.

Ông Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong

Ngoài một số khoản nhà trường thu hộ như bảo hiểm y tế, đồng phục, sách giáo khoa… ông Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu cho biết, cho biết, chuyện huy động phụ huynh đóng góp đều rất khó khăn. Khi có các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thì nhà trường sẽ vận động phụ huynh hỗ trợ ngày công chứ không kêu gọi đóng góp kinh phí.

“Chúng tôi chỉ kêu gọi phụ huynh hỗ trợ nhà trường và các nhà hảo tâm ngày công để vận chuyển đồ dùng, thiết bị dạy học từ điểm trường chính vào điểm trường lẻ. Nếu phụ huynh nào sắp xếp thời gian được thì phụ giúp thầy cô giáo, nhà trường không bắt buộc tất cả phụ huynh phải tham gia”, ông Hà Hữu Phong cho hay.

Hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học này, điểm trường cụm dân cư số 8 có gần 200 học sinh, với 9 lớp học. Nếu chỉ có 5 phòng học thì không đáp ứng đủ yêu cầu. Trong khi Nhà nước chưa thể bố trí vốn để xây dựng thêm lớp học thì Trường tiểu học La Văn Cầu đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội.

“2 phòng học được xây dựng kịp thời và đi vào sử dụng từ đầu năm học 2024 -2025 đã giúp nhà trường giải quyết tình trạng thiếu lớp học trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”, ông Hà Hữu Phong nói thêm.

Bai 1_H4
Nhờ sự quan tâm của cộng đồng xã hội, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao rõ rệt

Theo ông Phong, do điểm trường phụ cách điểm trường chính gần 20km, nên từ năm học này, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đã được học tại điểm trường cụm dân cư số 8. Điều này đã giúp học sinh đi học thuận tiện hơn và nhà trường dễ dàng triển khai các hoạt động dạy, học.

Ngoài các trường học tại vùng khó khăn, chủ trương huy động sự đóng góp của xã hội để chăm lo cho học sinh đã được nhiều trường học tại TP. Gia Nghĩa thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Lập Thành, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết, đơn vị được giao quản lý điểm trường tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa. Những năm qua, việc huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh tại điểm trường tổ dân phố 5 hầu như không thể thực hiện được. Vì khoảng 90% phụ huynh tại điểm trường là người đồng bào dân tộc thiểu số và người dân không có điều kiện để hỗ trợ, tài trợ cho nhà trường.

“Do không vận động phụ huynh nên hàng năm, nhà trường đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội để sửa chữa, nâng cấp điểm trường; mua sắm trang thiết bị dạy học; quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh… Thông qua huy động xã hội hóa, điểm trường đã được Công an tỉnh Đắk Nông, Đại học Thủy Lợi và nhiều tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ sửa chữa nhiều hạng mục, đáp ứng tốt hơn cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học”, bà Quyên nói thêm.

Bai 1-H2
Học sinh điểm trường tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân, thuộc Trường mầm non Tân Lập Thành sử dụng nước uống bảo đảm vệ sinh từ máy lọc nước do các tổ chức xã hội tài trợ

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, công tác xã hội hóa là giải pháp quan trọng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho ngành Giáo dục. Các hoạt động này góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Những năm qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học linh hoạt triển khai công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ngoài giúp đỡ về cơ sở vật chất, các nhà trường còn kết nối với một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ hàng ngàn suất ăn miễn phí, trao tặng học bổng, máy vi tính… Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ và hiện đại là nền tảng cơ bản để ngành Giáo dục nỗ lực vươn lên nâng cao chất lượng dạy và học.

Đặng Dương