Nỗi niềm đóng góp đầu năm học
Mỗi khi năm học mới bắt đầu, câu chuyện về các khoản thu, chi tại các trường học trở thành tâm điểm của dư luận.
Đã thật sự tự nguyện?
Sau khi các nhà trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng các trường học yêu cầu đóng góp nhiều khoản khác nhau. Dù các khoản thu được nhà trường thông báo là "tự nguyện" nhưng trong thực tế, phụ huynh lại cảm thấy bị ép buộc phải đóng góp.
Chị Ng.T.V, ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Sau thời gian họp phụ huynh khoảng 2 tuần thì con trai mang về một biên bản liên quan nội dung về thỏa thuận đóng góp do nhà trường gửi về để phụ huynh điền mức đóng góp và ký tên xác nhận. Ngoài các mục thu bắt buộc theo quy định có các mục thu phục vụ việc học tập của học sinh và xã hội hóa. Điều đáng nói là các mục tự nguyện đều được con trai điền sẵn số tiền phải đóng. Hỏi ra thì mới biết là giáo viên “gợi ý” điền những con số ấy. Thấy con trai lo lắng vì sợ mẹ không ký nên tôi ký cho cháu để nộp mặc dù không được thoải mái”.
Theo chị Tr.T.C, một phụ huynh ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa, hoàn cảnh còn khó khăn lại có 3 con đi học nên cộng hết các khoản đóng góp, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học là nỗi lo của gia đình chị hàng năm. Ngoài các khoản đóng góp bắt buộc, một số khoản mang tính chất đóng góp hỗ trợ nhà trường trong dạy và học chị thấy cần thiết nên cố gắng để đóng góp cho các con có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, do cách triển khai của nhà trường chưa phù hợp nên nhiều phụ huynh không đồng tình. Hầu hết các trường thường đồng nhất một mức thu đối với tất cả các đối tượng phụ huynh nên gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
"Nói là tự nguyện nhưng gần như phụ huynh nào cũng phải đóng. Về phía phụ huynh, một số ngại không ý kiến tại cuộc họp về các khoản, mức đóng góp nhưng lại đăng lên mạng xã hội gây dư luận trái chiều. Tôi nghĩ rằng dư luận không tốt là do giữa phụ huynh và nhà trường chưa có tiếng nói chung”, chị Tr.T.C cho hay.
Trường "ngại" dư luận?
Thực tế những năm qua cho thấy, từ phản ánh của phụ huynh, nhiều cơ sở giáo dục lạm thu, lạm chi đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, hệ quả để lại không những làm mất niềm tin cho chính phụ huynh ở cơ sở giáo dục ấy mà gây khó khăn, ảnh hưởng đến cả những cơ sở giáo dục khác khi họ vẫn thực hiện đúng quy định.
Theo một hiệu trưởng trường tiểu học ở huyện Krông Nô chia sẻ, các khoản thu hiện nay được thực hiện trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh trong các cuộc họp lớp, nhà trường không ép buộc. Các khoản thu chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động của học sinh, bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhờ sự chung tay của phụ huynh, các mạnh thường quân nên cơ sở vật chất, khuôn viên trường học ngày một khang trang, sạch, đẹp hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trường cũng “ngại” khi triển khai thực hiện. Hiệu trưởng này lý giải: “Những năm trước, việc thực hiện xã hội hóa thuận lợi hơn khi có sự chia sẻ, đồng thuận của phụ huynh. Những năm gần đây, các vấn đề về thu, chi đầu năm học thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Các vụ việc tiêu cực như: thu các khoản không đúng quy định hoặc lạm thu đã tạo dư luận trái chiều từ xã hội. Điều này làm cho phụ huynh có tâm lý phản đối khi đóng góp các khoản đầu năm học. Vì vậy, hiện nay rất nhiều trường muốn “an phận” nên không triển khai các hoạt động xã hội hóa để tu sửa, đầu tư các công trình phụ trợ”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP. Gia Nghĩa chia sẻ, xã hội hóa giáo dục là một trong những tiêu chí đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là nội dung được ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện hàng năm để san sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay một số công trình phụ trợ cần cải tạo, sửa chữa cấp thiết nhưng trường "ngại" đứng ra kêu gọi vì ngại dư luận, phản ứng của phụ huynh.
"Triển khai thì phải chịu áp lực từ dư luận, không triển khai thì cảm thấy có lỗi với học sinh” vị hiệu trưởng phân trần.
Cần tạo kênh đối thoại
Chuyện đóng góp đầu năm học tại Đắk Nông không phải là vấn đề mới nhưng nó vẫn luôn là đề tài "nóng" mỗi đầu năm học của phụ huynh, dư luận xã hội và trăn trở của các nhà quản lý giáo dục. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm một môi trường giáo dục công bằng, minh bạch.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra tranh cãi về các khoản thu, chi là do thiếu sự đối thoại giữa nhà trường và phụ huynh. Do đó, nhà trường cần tạo điều kiện để phụ huynh tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về các khoản thu đầu năm.
Việc tổ chức các buổi họp phụ huynh không chỉ để thông qua các khoản đóng góp mà còn lắng nghe những tâm tư, ý kiến từ phía phụ huynh, từ đó tìm ra hướng giải quyết hợp lý. Việc tạo ra kênh đối thoại thường xuyên sẽ giúp giảm thiểu mâu thuẫn, tăng cường sự đồng thuận giữa hai bên, đồng thời bảo đảm mọi khoản thu đều được thực hiện đúng quy định và công bằng.
Ngành Giáo dục Đắk Nông tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng lạm thu như: yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai và minh bạch các khoản thu, chi; loại bỏ các khoản thu không cần thiết; áp dụng hình thức đóng góp phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông
"Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng lạm thu như: yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai và minh bạch các khoản thu, chi; loại bỏ các khoản thu không cần thiết; áp dụng hình thức đóng góp phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình…", ông Hải thông tin.
Đi đôi với đó, sở tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp lạm thu, lạm chi để răn đe. Điều này giúp tạo ra một môi trường giáo dục trong sạch, minh bạch, giảm thiểu áp lực lên phụ huynh và nhà trường.