Thu, chi trong trường học Đắk Nông và trách nhiệm của người đứng đầu
Để giải quyết triệt để tình trạng lạm thu, lạm chi thì vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục là yếu tố quyết định. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn xây dựng niềm tin của phụ huynh, học sinh.
Đặt lợi ích học sinh lên hàng đầu
Thực tế cho thấy, người đứng đầu nếu phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, đặt mục tiêu, lợi ích của học sinh lên hàng đầu cũng như biết hài hòa quyền lợi, trách nhiệm của phụ huynh thì cơ sở giáo dục ấy sẽ triển khai thu, chi hiệu quả, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô chia sẻ, việc triển khai thực hiện các khoản thu, chi ở trường nhiều năm nay nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Khi phụ huynh hiểu và chia sẻ thì họ luôn ưu tiên những công việc, hoạt động của trường vì họ hiểu bản thân mình làm là vì phục vụ cho con em mình.
Tuy nhiên, để có được niềm tin của phụ huynh thì hiệu trưởng - người đứng đầu và ban giám hiệu nhà trường cần có những chuẩn mực nhất định.
"Kinh nghiệm của bản thân tôi khi thực hiện xã hội hóa giáo dục thì trước hết phải thông qua các kênh, nhất là tổ chức họp, đối thoại trực tiếp với phụ huynh. Từ đó, phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh lựa chọn các công trình, hạng mục cấp thiết phục vụ dạy và học, sinh hoạt của học sinh để ưu tiên triển khai”, bà Tuyết chia sẻ.
Cũng theo bà Tuyết thì vai trò của người đứng đầu ở đây không chỉ là quản lý mà còn là người kết nối, giải quyết mâu thuẫn và tìm ra tiếng nói chung giữa nhà trường và phụ huynh. Qua nhiều năm quản lý một vài trường hợp phụ huynh phản ánh việc thu chi của trường. Khi nắm bắt được thông tin bà đều mời các đơn vị, cá nhân liên quan để cùng nhau ngồi lại phân tích, làm rõ để phụ huynh hiểu thấu đáo hơn. Với cách làm như vậy nên phụ huynh gần như rất vui vẻ, tự gắn trách nhiệm của mình hơn với con em và các hoạt động của nhà trường.
Thực hiện các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa là cần thiết để hỗ trợ các nhà trường trong nâng cao chất lượng dạy và học. Để thực hiện đúng tinh thần, quy định thì vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện thu, chi tại các trường học là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất trong thu-chi ở các trường học hiện nay là sự thiếu minh bạch. Để giải quyết điều này, người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa việc công khai thông tin về các khoản thu, chi.
Mỗi khoản thu phải được thông báo chi tiết, bao gồm mục đích sử dụng và thời gian chi tiêu. Điều này không chỉ giúp phụ huynh nắm rõ thông tin mà còn tạo điều kiện để họ đóng góp ý kiến, giám sát. Người đứng đầu cần tạo ra một môi trường dân chủ, nơi mà giáo viên, phụ huynh có thể bày tỏ ý kiến một cách thoải mái. Mọi vấn đề liên quan đến thu, chi cần được thảo luận công khai và dân chủ trong các buổi họp phụ huynh.
Thay vì áp đặt mức thu, nhà trường nên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của phụ huynh, từ đó tìm ra giải pháp chung cho tất cả các bên. Một phụ huynh có con học tại Trường THCS trên địa bàn TP. Gia Nghĩa chia sẻ: "Nhiều khi chúng tôi không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến con cái, nhưng nếu nhà trường tạo ra một môi trường dân chủ, nơi mà chúng tôi có thể nói ra quan điểm của mình, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đóng góp tích cực hơn".
Để tránh dư luận, phản ứng từ phụ huynh, người đứng đầu cần cân đối các khoản thu sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của từng gia đình. Việc áp dụng một mức thu chung cho tất cả phụ huynh dễ gây ra sự bất bình, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Xử lý nghiêm khi vi phạm
Thực tế cũng cho thấy, ở một số cơ sở trường học, ban giám hiệu “khoán” luôn việc triển khai lấy ý kiến, huy động các khoản đóng góp cho giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều trường hợp sự “truyền đạt” này không rõ ràng, hết ý dẫn đến sự phản ứng trong phụ huynh.
Người đứng đầu xây dựng kênh đối thoại, lắng nghe phản hồi, tạo cơ hội để phụ huynh và các bên liên quan thảo luận trực tiếp về các khoản thu, chi trước khi quyết định thực hiện. Điều này giúp ngăn ngừa hiểu lầm và tăng cường sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Ngoài ra, trường có thể xây dựng các kênh trực tiếp để phụ huynh góp ý kiến hoặc thắc mắc về các khoản thu, chi. Đối với các phản ánh tiêu cực, người đứng đầu cần xử lý kịp thời và đưa ra biện pháp giải quyết hợp lý.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, vì nhiều nguyên nhân, những năm qua trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các tình trạng phản ánh về lạm thu. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều liên quan đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Để hạn chế lạm thu, chi, hàng năm, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT đều có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định. Trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
"Người đứng đầu các cơ sở giáo dục, bao gồm hiệu trưởng và ban giám hiệu, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và quản lý các hoạt động thu, chi. Họ không chỉ là người chịu trách nhiệm trước phụ huynh, học sinh và cơ quan quản lý về tính minh bạch trong thu, chi, mà còn là người định hướng và đưa ra các giải pháp để bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên liên quan", ông Hải cho hay.
Thời gian tới, ngành Giáo dục tăng cường giám sát và hỗ trợ cho các trường học trong việc thực hiện thu, chi để bảo đảm rằng các khoản thu đều được thực hiện đúng quy định và công khai. Sở tiếp tục xem xét, lấy ý kiến cơ sở về các văn bản quy định thu, chi để có hướng đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung, chỉnh sửa hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay.
Cùng với đó, ngành Giáo dục chú trọng hơn đến nâng cao đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý tài chính cho đội ngũ quản lý, giáo viên, nhất là người đứng đầu, bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong quản lý thu chi. Sở sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp lạm thu, lạm chi, nhất là quy trách nhiệm người đứng đầu nhằm tạo sự công bằng và niềm tin cho phụ huynh.