Hợp tác xã ở Đắk Nông sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp được các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Đắk Nông chọn phát triển để nâng cao giá trị sản phẩm.
Khai thác tiềm năng, lợi thế nông nghiệp
Đắk Nông hiện có 294 HTX, trong đó 230 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền cho các HTX, nông dân về vai trò, lợi ích của liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Liên minh HTX và các HTX đánh giá, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Diện tích gieo trồng cây hàng năm của Đắk Nông đạt trên 86.000 ha, cây lâu năm khoảng 235.000 ha. Đất đai, khí hậu của Đắk Nông thuận lợi cho trồng trọt.
Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông chia sẻ, Liên minh HTX nhìn nhận rõ thực tế trong quá trình phát triển, nông nghiệp tỉnh Đắk Nông nói chung, các HTX nói riêng bộc lộ những lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ chế biến sau thu hoạch, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy, dù là một tỉnh có nhiều lợi thế xuất khẩu nông sản, nhưng tính bền vững trong sản xuất chưa cao. Nông sản của chủ yếu dừng lại ở xuất khẩu nông sản thô. Trong khi đó, giá trị gia tăng đối với hàng hóa nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sự lạc hậu về công nghệ trước và sau thu hoạch. Các HTX còn hạn chế về trình độ nên chưa tham gia vào chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến marketing, phân phối và tiêu thụ.
“Với vai trò là cơ quan đại diện khu vực kinh tế tập thể, nhiều năm trước chúng tôi đã tuyên truyền để các HTX, nông dân hiểu về sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến đầu năm 2021, Liên minh HTX Đắk Nông triển khai Đề án xây dựng mô hình điểm chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với tổ hợp tác, HTX ở Đắk Nông và được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện đến năm 2025”, ông Thám chia sẻ.
Năm 2021, tham gia Đề án xây dựng mô hình điểm chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với tổ hợp tác, HTX, toàn tỉnh có 5 HTX và 1 tổ hợp tác được hỗ trợ tổng 1.350 triệu đồng.
Đó là, HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka (Đắk R’lấp); HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái (Krông Nô); HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút); HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Long Việt (Tuy Đức) HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Ý (Gia Nghĩa); Tổ hợp tác Nông nghiệp và dệt thổ cẩm (Đắk R’lấp).
Trước khi có đề án, giai đoạn 2018 - 2020, có 4 HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ tổng kinh phí 885 triệu đồng để sản xuất theo chuỗi giá trị gồm: HTX Nông nghiệp Krông Nô (Krông Nô); HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa); HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức); HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Song).
Chuyển mình rõ nét
Các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị cho thấy có bước phát triển rõ nét. HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã và đang nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.
Điển hình HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà HTX Nam Hà hiện liên kết với gần 210 thành viên, hộ nông dân trồng hơn 100ha gấc. HTX hiện chế biến ra tinh dầu gấc, màng gấc, bột gấc, bún gấc.
Trong đó, sản phẩm màng gấc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan. Bún gấc thiên nhiên của HTX Nam Hà đạt OCOP hạng 3 sao, mỗi tháng sản xuất khoảng 100 tấn.
Anh Trần Đình Lượng, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà chia sẻ: “Trước đây, HTX chủ yếu sản xuất thô, giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2018, chúng tôi đầu tư chế biến theo chuỗi giá trị nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn. Được Liên minh HTX Đắk Nông, UBND tỉnh hỗ trợ vốn, chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm 1 tỷ đồng để mua dây chuyền sản xuất, nhà xưởng bài bản sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm đã nâng cao giá trị của quả gấc. Hiện nay, người trồng gấc thường thu lãi từ 120 -150 triệu đồng/ha/năm”.
Đắk Nông diện tích cà phê lớn, với diện tích khoảng 140.000ha, trong đó có cà phê robusta nổi tiếng với hương vị thơm, ngon. Nhiều HTX đã xác định phát triển chuỗi giá trị từ cà phê.
HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka thành lập năm 2020, tiềm lực kinh tế ban đầu hạn hẹp nên gặp khó khăn trong mở rộng quy mô chăm sóc, công suất chế biến.
Anh Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Đắk Ka cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ cung cấp cà phê nhân cho các đối tác. Sau khi được tỉnh hỗ trợ kinh phí, chúng tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà kính để phơi sấy và các máy móc rang xay hiện đại để chế biến cà phê đặc sản”.
HTX Đắk Ka đầu tư máy rang cà phê công suất 150 tấn/năm, nâng công suất xưởng lên 225 tấn/năm để cung cấp cho các đối tác trong nước và xuất khẩu.
Sản phẩm cà phê robusta đặc sản (fine robusta ) của HTX Đắk Ka được Viện chất lượng Cà phê thế giới CQI đánh giá cao, đạt 80 điểm trở lên, cà phê bột đạt OCOP 3 sao.
HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái hiện có trên 240 thành viên trồng 500ha cà phê, trong đó khoảng 200ha đầu tư sản xuất theo hướng đặc sản. Sản xuất cà phê đặc sản tăng giá trị kinh tế, trong đó có thời điểm tăng 1,5 lần so với sản xuất cà phê thông thường.
Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Thanh Thái cho biết, sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao gắn với phát triển chuỗi giá trị được HTX là hướng đi đường dài.
HTX phấn đấu trong vài năm tới tăng diện tích cà phê đặc sản, ứng dụng công nghệ cao lên tầm 300 ha, xây dựng mã vùng trồng. HTX tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
HTX Thanh Thái có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là cà phê rang xay, cà phê phin giấy và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Tinh túy vùng đất núi lửa Đắk Nông.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 50 HTX hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, trái cây, rau, củ...
Ông Bùi Hoa Thám đánh giá: “Các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị áp dụng quy trình chăm sóc bài bản từ kỹ thuật trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sinh học… đến chế biến sâu đã và đang góp phần gia tăng giá trị nông sản của tỉnh, hướng đến xuất khẩu bền vững. Các HTX tổ chức sản xuất bài bản hơn, nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng chuyển đổi số từ đó nâng cao đời sống thành viên, nông dân liên kết”.
Từ Đề án xây dựng mô hình điểm chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với tổ hợp tác, HTX ở Đắk Nông cho thấy, các đơn vị ngày càng nhận rõ tính bền vững của sản xuất nông nghiệp sạch. Từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến giữa hộ gia đình, cá nhân, trang trại được liên kết chặt chẽ.
Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới, hiện thực hóa chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm quy tụ được nguồn hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng hóa có khả năng cung cấp liên tục, thực hiện đồng bộ theo một tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Đồng thời bảo đảm truy xuất được nguồn sản phẩm khi xuất bán, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, Đắk Nông đang triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã đạt được những kết quả rất khả quan.