Kinh tế

Khoai lang Đắk Nông đang chệch định hướng?

Trần Thị Thoan 17/10/2024 08:30

Việc phát triển cây khoai lang ở Đắk Nông chưa đúng định hướng của ngành chức năng, khiến cây trồng này đối diện các mặt rủi ro.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trung, thôn 14, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút có 2ha đất. Khoảng 10 năm nay, ông chuyên trồng khoai lang trên diện tích đất này.

Gần đây, ông đã chuyển 1ha sang trồng các loại đậu. Chưa dừng lại ở đó, ông dự kiến sẽ không trồng khoai lang nữa mà chuyển sang luân canh các loại đậu, bắp.

Ông cho rằng, khoai lang đang ngày càng sa sút về cả năng suất, chất lượng, giá cả cũng bấp bênh nên ông không còn muốn gắn bó lâu dài.

a1-b66aae8bb08c43b0c40a8b143c3e80ba(1).jpg
Đầu ra của khoai lang Đắk Nông thiếu ổn định

Bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô gắn bó với cây khoai lang gần 10 năm qua. Nhiều năm trước, việc trồng khoai lang tương đối thuận lợi, giá cả, sản lượng ổn định.

Nhưng khoảng 5 năm lại đây, hiệu quả kinh tế từ cây khoai lang ngày càng sa sút, khiến bà không khỏi lo lắng. Điển hình như việc khoai gặp sâu bệnh giảm chất lượng, năng suất; nắng nóng, biến đổi khí hậu làm tăng chi phí đầu vào.

Bà Thảo cho rằng, để trồng 1ha khoai lang phải đầu tư từ 80 - 100 triệu đồng. Tính trung bình khoai lang đạt sản lượng khoảng 10 - 20 tấn/ha.

Nếu khoai lang có mức giá 10 triệu đồng/tấn thì người trồng mới hòa vốn. Thế nhưng, những năm gần đây, giá khoai lang ngày càng sa sút, nông dân lỗ vốn. Riêng vụ đông xuân 2024, khoai lang vừa mất mùa, vừa mất giá, gia đình bà lỗ chừng 60 triệu đồng/ha.

dsc_1600.jpg
Năm 2024 nhiều người trồng khoai lang Đắk Nông thua lỗ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chưa đúng định hướng của cây khoai lang trên địa bàn Đắk Nông. Trước hết, công tác quy hoạch và phát triển cây trồng này chưa được quan tâm đúng mức.

Các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước như cung cấp giống cây chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khoai lang còn ít.

Đến nay, cây khoai lang của tỉnh vẫn thiếu liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Người dân trồng khoai lang tại Đắk Nông hiện vẫn chủ yếu hoạt động đơn lẻ, không có sự hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để tạo chuỗi giá trị.

Điều này khiến cho sản phẩm khoai lang Đắk Nông khó cạnh tranh trên thị trường,nhất là khó tiếp cận được các thị trường lớn trong nước và quốc tế.

Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, diện tích cây khoai lang của tỉnh những năm qua có xu hướng giảm dần. Hiện tỉnh có khoảng 5.500ha khoai lang, sản lượng đạt trên 81.600 tấn/vụ. So với năm 2018, diện tích khoai lang của tỉnh giảm trên 1.500ha, sản lượng giảm 4.600 tấn.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để cây khoai lang Đắk Nông phát triển đúng định hướng, bền vững, cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ nhiều phía.

Trước hết, chính quyền địa phương cần có những chính sách rõ ràng, phù hợp với thực tế, đồng thời quy hoạch vùng trồng khoai lang một cách hợp lý, tránh tình trạng tăng, giảm diện tích lớn hàng năm.

dsc_0530.jpg
Diện tích khoai lang của Đắk Nông hiện ở mức khoảng 5.500ha

Nhằm tìm lại vị thế cho cây khoai lang, những năm gần đây, các cơ quan chuyên môn đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống mới, nhất là giống nuôi cấy mô có năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng khoai lang phục vụ xuất khẩu. Hiện tỉnh đã có 1 cơ sở tại Gia Nghĩa được cấp mã xuất khẩu sản phẩm khoai lang tươi vào Trung Quốc.

Sở NN-PTNT tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương khác để liên kết bao tiêu, chế biến sản phẩm khoai lang phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Kế hoạch 693 năm 2022 của UBND tỉnh Đắk Nông, đến năm 2025, tỉnh có diện tích khoai lang 6.500ha. 80% diện tích khoai lang tập trung ở Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong và Krông Nô. Người dân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như khoai lang Nhật Bản, khoai lang cao sản; xây dựng nhãn hiệu...

Trần Thị Thoan