Sắc màu văn hóa Tây Nguyên thấm đẫm trong vở múa đương đại "SESAN"
Trong khuôn khổ Tuần lễ Múa Việt Nam - Vietnam Dance Week 2024 do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức, vở múa đương đại “SESAN” công diễn tại Nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum đã mang đến nhiều cảm xúc nghệ thuật cho người xem khi thể hiện được vẻ đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ, mang nhiều nét đặc trưng văn hóa Tây Nguyên.
Vở múa "SESAN" thấm đẫm sắc màu văn hóa Tây Nguyên. (Ảnh: Ban tổ chức) |
"SESAN" được viết kịch bản và tổng đạo diễn bởi Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh, với phần âm nhạc do nhạc sĩ Chinh Ba và các nhạc sĩ, nghệ sĩ đương đại quốc tế Yama Lou Apoukashi (đến từ Nhật Bản) và Tillman Per Martin Oscar (đến từ Thụy Điển) đảm nhận.
Trong thời lượng 60 phút, "SESAN" đưa khán giả thăng hoa trong không gian nghệ thuật được kết nối theo 5 cảnh: "Mạch nguồn" - "Lửa thiêng" - "Yaly" - "Lời ru của rừng" - "Theo ánh mặt trời". Qua đó, vở diễn không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ cùng những nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, mà còn khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sê San, tạo ra không gian văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc, nơi lưu giữ những mạch nguồn, trầm tích văn hóa vừa bí ẩn, vừa dạt dào sức sống mãnh liệt.
Độc đáo thủ pháp múa bóng. (Ảnh: Ban tổ chức) |
“Mạch nguồn” mở màn vở múa với hình ảnh một mặt trăng lớn có đường kính 3m được chiếu trên nền Nhà rông Kon Klor. Từ đây, bằng thủ pháp múa bóng, biên đạo khéo léo thể hiện hành trình trưởng thành của một chàng trai từ khi là cậu bé đến lúc là tráng sĩ núi rừng, sóng đôi cùng một cô gái… Khi hình ảnh mặt trăng tách đôi, cộng đồng buôn làng hiện ra với những dân tộc bản địa sinh sống lâu đời nhất ở Kon Tum: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm. Ngôn ngữ múa và những chuyển động tuyệt đẹp của cơ thể đã tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt của đồng bào thời kỳ đồ đá với hoạt động săn bắt, hái lượm...
Từ ánh lửa le lói được tìm thấy, các bộ tộc truyền lửa cho nhau, gắn kết cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Kon Tum. Cảnh “Lửa thiêng” với màn múa cùng đuốc lửa và thanh âm của đàn đá, chiêng, trống khiến không gian đất trời Tây Nguyên càng trở nên vang vọng.
Vở múa sử dụng ngôn ngữ múa đương đại kết hợp các điệu múa dân tộc. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, “Yaly” khắc họa hình ảnh già làng dẫn đoàn cồng chiêng tế thần mặt trời, ban sự sống cho con người và muôn loài, kể những bài sử thi truyền lại cho thế hệ mai sau. Ở phần này, sự hòa quyện ăn ý của dàn nhạc cồng chiêng cùng hát kể sử thi và nhạc điện tử đã vẽ lên không gian vừa trầm hùng hào sảng, vừa gần gũi tâm tình.
Từ đây, vở múa đưa người xem đến với khúc biến tấu “Lời ru của rừng” được biên đạo bởi Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương kết hợp phần âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung, vẽ lên vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên qua 4 mùa thay lá, nhuộm lên các bức phù điêu sắc thái của thời gian...
Để rồi kết lại ở “Theo ánh mặt trời”, vở múa chuyển tải khát khao vươn lên của cộng đồng các dân tộc cùng chung sống bên dòng sông Sesan, trong sự hòa hợp với thiên nhiên núi rừng ngàn đời ru giấc mơ mãnh liệt…
Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, “SESAN” được dựng theo phương pháp sáng tạo tương tác và ngẫu hứng - một phương pháp của múa đương đại kết hợp với múa của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm và tương tác với không gian bản địa Nhà rông Kon Klor. Vì vậy, tinh thần của vở là tạo không gian mở để khán giả cảm nhận hơi thở, nhịp điệu của thiên nhiên, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Kon Tum.
Vở múa "SESAN" được dựng theo phương pháp sáng tạo tương tác và ngẫu hứng. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Theo Thạc sĩ Tuyết Minh, thủ pháp ngẫu hứng và tương tác này có khả năng mang tới niềm hạnh phúc ngay với chính những nghệ sĩ trình diễn. Lúc này, yếu tố kỹ thuật cho phép được nhòa đi để tôn vinh cảm xúc và sự thăng hoa trong nghệ thuật biểu diễn. Và chỉ có tập hợp được đội ngũ nghệ sĩ được đào tạo quy chuẩn, có đầy đủ kỹ năng, đạt đến trình độ biểu diễn nghệ thuật nhất định thì biên đạo mới dám chọn phương pháp sáng tạo này để trình diễn vở.
Với tinh thần ấy, “SESAN” cũng chính là cơ hội để Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trân trọng giới thiệu tới khán giả trong nước cũng như đối tác quốc tế chân dung những nghệ sĩ trình diễn múa tài năng của Việt Nam như: Nghệ sĩ Ưu tú Cao Chí Thành, Nghệ sĩ Ưu tú Như Quỳnh, nghệ sĩ đương đại Mạnh Hùng, Văn Hiệp, Thúy Hiền, Mai Len, Vũ Huệ, Quang Anh, Quang Việt, Quang Bách, Mỹ Linh, Ngọc Ngân, Hoàng Yến, Đăng Minh, bên cạnh đó là của các nghệ sĩ múa solist bản địa như Kiều Diễm, Đa Ly, Y Nhi, Phương Dung, và các nghệ nhân cồng chiêng Kon Tum.