Đắk Glong đồng hành cùng doanh nghiệp
Đắk Glong (Đắk Nông) luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tối đa hóa các hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư.
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư công nghệ
Phần lớn doanh nghiệp, HTX của Đắk Nông hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, nhu cầu đầu tư nâng cao giá trị cho sản phẩm hàng hóa rất lớn, nhất là về công nghệ.
HTX Thương mại-dịch vụ-nông nghiệp hữu cơ Đắk Plao, xã Đắk Plao điển hình về sản xuất nông nghiệp sạch của địa phương. HTX được thành lập từ năm 2022, với 45 xã viên. Các xã viên hiện đang sản xuất các cây trồng chủ lực như: cà phê, sầu riêng, cây có múi…
Giám đốc HTX Đỗ Ngọc Mẫn cho hay, HTX mới thành lập nên điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn. Máy móc thiết bị phục vụ sản xuất còn thô sơ, đa phần là làm thủ công.
Đặc biệt, cà phê sau khi thu hoạch đều chỉ sử dụng sân phơi nên gặp nhiều bất lợi khi trúng thời điểm mưa nhiều. Cà phê sau khi hái gặp mưa sẽ bị đen, mốc, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng. Giá trị sản phẩm hàng hóa cũng như thu nhập của các xã viên bị ảnh hưởng theo.
“HTX đang được Phòng NN-PTNT Đắk Glong hướng dẫn xây dựng hồ sơ để được hỗ trợ một máy sấy tĩnh vĩ ngang từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, giúp cho việc phơi sấy cà phê của xã viên được ổn định và nâng cao về chất lượng sản phẩm”, ông Mẫn cho biết.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Sangs Farm, xã Quảng Sơn cũng đang có nhu cầu phát triển cho sản phẩm bưởi da xanh.
HTX hiện có 10ha bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, sản lượng vườn bưởi thu về gần 100 tấn. Thị trường của sản phẩm được mở rộng cả trong và ngoài tỉnh.
Ông Ngô Xuân Hiếu, đại diện HTX cho hay, mục tiêu của HTX không chỉ là bán trái tươi. Đơn vị đang được ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để đầu tư mua sắm về máy móc, công nghệ phục vụ chế biến sâu các sản phẩm như: mứt bưởi, tinh dầu bưởi… Đa dạng sản phẩm sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế cho các xã viên trong HTX.
Đắk Glong hiện có 262 doanh nghiệp và HTX đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.793 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn có khoảng hơn 30 chi nhánh của doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động. Trong năm 2023, các doanh nghiệp, HTX đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 12,4 tỷ đồng.
Luôn tiếp sức cho doanh nghiệp
Thời gian qua, huyện Đắk Glong luôn đặc biệt quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động, nhất là tập trung cải cách hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Đắk Glong Phạm Ngọc Hà cho hay, hội đã có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với chính quyền.
Riêng năm 2024, nhiều cuộc đối thoại, gặp mặt các doanh nghiệp được huyện tổ chức. Việc kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh được hội triển khai, mở ra cơ hội tìm hiểu, hợp tác cũng như giúp hội phát triển thêm hội viên.
Trước vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần khẳng định, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp luôn gắn liền với sự phát triển của địa phương.
Những năm qua, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.
Ngoài phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới...
Các hoạt động đã khẳng định được vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, Đắk Glong coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.
Huyện sẽ chỉ đạo các ngành rà soát nhu cầu và tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đổi mới máy móc, công nghệ, mở rộng sản xuất. Đây cũng chính là giải pháp giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa địa phương trên thị trường.
Địa phương sẽ thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tạo môi trường thông thoáng, tạo đà để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa cho địa phương trong thời gian tới.