Thu hoạch - Khâu quyết định chất lượng cà phê Đắk Nông
Nông dân Đắk Nông cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản để bảo đảm chất lượng sản phẩm cà phê.
Cà phê là cây trồng chủ lực tại Đắk Nông với khoảng 143.000ha, chiếm 35% tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Giai đoạn này, cà phê Đắk Nông đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Việc nâng cao chất lượng cà phê Đắk Nông luôn là trăn trở của tỉnh để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế. Trước thời kỳ thu hoạch, ngành Nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thu hoạch cà phê đúng cách, góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) người đã có hơn 10 năm sản xuất cà phê chất lượng cao phân tích, thu hoạch không đúng thời điểm, đặc biệt là khi hái cà phê còn xanh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị sản phẩm sau này.
Quả cà phê xanh làm giảm trọng lượng và dễ bị dập nát trong quá trình chế biến, dẫn đến lên men, mốc hoặc ảnh hưởng đến mùi vị khi pha chế.
Năm 2024, khoảng 131.000ha cà phê Đắk Nông cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch từ cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
Ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông phân tích, chất lượng của hạt cà phê phụ thuộc lớn vào việc thu hoạch đúng thời điểm.
Để tạo ra những hạt cà phê tốt nhất, quả cà phê phải được thu hoạch khi chín đỏ hoặc vừa chín tới. Điều này bảo đảm rằng hạt cà phê bên trong đạt đủ các vị của hạt cà phê, mang lại hương vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng khi rang xay.
Ông Chân cho rằng, cần thu hoạch cà phê thực hiện theo từng đợt, lần đầu khi có 3-5% quả chín, lần hai khi đạt 90% và lần cuối để thu toàn bộ số quả còn lại trên cây. Điều này không chỉ tối ưu hóa chất lượng mà còn gia tăng sản lượng thu được.
Bước quan trọng sau khi thu hoạch là sơ chế và bảo quản cà phê đúng cách. Đối với chế biến ướt, quả tươi cần được đưa vào sơ chế trong vòng 12 giờ, còn chế biến khô không quá 24 giờ.
Nếu không đáp ứng được thời gian này, việc chất lượng cà phê suy giảm là điều khó tránh khỏi. Quả tươi có thể bắt đầu lên men hoặc phát triển nấm mốc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm.
Ngoài ra, nông dân cần tránh việc ủ đống cà phê quá lâu để rút ngắn thời gian phơi. Đây là một thói quen phổ biến nhưng lại dẫn đến nhiều hệ lụy như làm giảm chất lượng mùi vị, chuyển hóa màu sắc của hạt và làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc.
Thay vào đó, cà phê cần được phơi trên nền thoáng, có độ dày khoảng 30-40cm và cào đảo thường xuyên để tránh tích tụ nhiệt.
Hiện nay, có 3 phương pháp chế biến phổ biến được áp dụng trong sản xuất cà phê gồm chế biến khô, chế biến ướt và chế biến honey.
Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Đắk Nông, nông dân cần lựa chọn phương pháp phù hợp với điều kiện thời tiết và khả năng tài chính.
Sau khi chế biến, cà phê cần được bảo quản ở môi trường thích hợp để bảo đảm chất lượng không bị suy giảm. Nhà kho bảo quản phải thông thoáng, sạch sẽ, không để cà phê tiếp xúc với các hóa chất hoặc vật liệu gây ô nhiễm.
Cà phê cần được xếp trên kệ cách tường và sàn khoảng 5-10 cm để tránh tiếp xúc với độ ẩm từ đất. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra kho bảo quản để phát hiện và xử lý các vấn đề như mối mọt, côn trùng hoặc nấm mốc.
Chất lượng cà phê không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn định hình thương hiệu cà phê Đắk Nông trên bản đồ cà phê thế giới.