BOT Đức Long nỗ lực bảo đảm an toàn đường Hồ Chí Minh
Cùng với việc khai thác, vận hành, Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông (BOT Đức Long) có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn tuyến đường Hồ Chí Minh do đơn vị quản lý.
Còn đường là còn BOT Đức Long
Đầu tháng 8/2024, sau đợt mưa lớn kéo dài, nhiều vị trí trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn dốc Ông Bồ, qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông xuất hiện tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng.
Cụ thể, từ ngày 8 - 16/9, tại đây, BOT Đức Long đã ghi nhận 3 điểm sụt lún ven đường Hồ Chí Minh. Đoạn xảy ra sụt lún kéo dài chừng 1km, ảnh hưởng tới 10 hộ dân đang sinh sống và đất của 6 hộ khác. Khu vực xảy ra sụt lún là phía ta luy âm của đường Hồ Chí Minh.
Qua kiểm tra, nhận định được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, một mặt, BOT Đức Long báo cáo cho chính quyền địa phương và Sở GT-VT tỉnh Đắk Nông, mặt khác triển khai ngay các biện pháp để khắc phục, hạn chế nguy cơ và bảo đảm cho tuyến đường.
Ông Nguyễn Đình Trạc, Giám đốc BOT Đức Long khẳng định: “Đường Hồ Chí Minh là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch kết nối Đắk Nông với khu vực miền Đông Nam bộ. Việc bảo đảm an toàn, lưu thông liên tục không chỉ là trách nhiệm của địa phương, ngành chức năng mà còn là nhiệm vụ chính của công ty. Quan điểm của chúng tôi là không có con đường thì không có BOT. Đường còn thì BOT Đức Long còn. Do vậy, việc bảo đảm an toàn cho đoạn đường này nói riêng và toàn tuyến Hồ Chí Minh nói chung là việc chúng tôi đặt lên hàng đầu”.
Ngay sau khi phát hiện các điểm sụt lún, BOT Đức Long đã chủ động bố trí xe máy, nhân lực để thực hiện việc đào thanh thải, giảm tải khối đất san nền tại vị trí Km l936+100 bên trái tuyến và Km l936+300 bên phải. Mục đích đào thanh thải, giảm tải ngăn cách khối đất san nền với đường Hồ Chí Minh để không làm ảnh hưởng đến tuyến đường, tránh tình trạng sụt lún kéo theo mái ta luy âm, nền, móng... của tuyến đường.
Cùng với đó, công ty tiến hành cắm 4 biển báo hạn chế tốc độ tối đa cho phép 40Km/h đối với xe tải có khối lượng chuyên chở trên 3,5 tấn và xe chở khách trên 29 chỗ ngồi trên đoạn xảy ra sụt lún mái taluy âm. Đến ngày 25/9/2024, hai vị trí sụt lún tại Km l936+100 bên trái và Km l936+300 bên phải tuyến đường đã tạm thời an toàn và chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường Hồ Chí Minh.
Phó Giám đốc BOT Đức Long Nguyễn Văn Quý thông tin thêm, các điểm sụt lún là các khối đất san nền, nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, các khối san nền này có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường Hồ Chí Minh. Việc san lấp nền đất này là hành vi trái phép, đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Hiện tại, BOT Đức Long đang vận hành, khai thác 70 km đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ); có hai trạm thu phí tại xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song) và xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp).
Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Đắk Nông Hà Sỹ Sơn, khu vực xảy ra sụt lún từng xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng cách đây ít năm. Việc san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ chưa có giấy phép. Trong năm 2020 và 2021, Thanh tra Sở GT-VT Đắk Nông đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính một số trường hợp san lấp mặt bằng tại khu vực này (trong đó có chủ Cây xăng Trung Dũng 1). Các biên bản vi phạm được chuyển về để chính quyền địa phương xử phạt hành chính. Nhưng sau đó, việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất không được thực hiện.
Tiếp tục khắc phục điểm sụt lún tại Gia Nghĩa
Tháng 8/2023, tại Km1900+350 và Km1900+650 trên tuyến được Hồ Chí Minh do BOT Đức Long quản lý đã xuất hiện xuất hiện các vết nứt, lún và nghiêm trọng hơn trong thời gian sau đó. Tình trạng này khiến 2/4 làn đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) phải tạm ngưng lưu thông hơn 1 năm qua.
BOT Đức Long đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở GT-VT, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan để xác định nguyên nhân và tìm hướng khắc phục. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ GT-VT, qua đấu thầu, Viện Khoa học-Công nghệ Giao thông vận tải (thuộc Bộ GT-VT) đã trúng thầu gói kiểm định nguyên nhân sự cố sụt lún tại tại Km1900+350 và Km1900+650 trên tuyến được Hồ Chí Minh. Gói thầu có trị giá 1,5 tỷ đồng, số tiền này do BOT Đức Long bỏ ra.
Sau 1 thời gian triển khai thực hiện, Tổ giám định sự cố do Sở GTVT tỉnh chủ trì xác định sự cố sụt lún, sạt trượt không liên quan tới quá trình đầu tư, xây dựng cũng như vận hành, bảo trì đoạn đường. Sự cố công trình có liên quan tới khối đất san nền thuộc phạm vi thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Nghĩa Thành của Công ty cổ phần Đường bộ Đắk Lắk. Đây là nguyên nhân chủ quan duy nhất trong nhóm các nguyên nhân dẫn tới sự cố công trình. Các nguyên nhân còn lại đều do thời tiết, lượng mưa, địa hình, địa chất, thủy văn.
Cũng theo báo cáo giám định, có 2 phương án để khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đường Hồ Chí Minh nói trên. Phương án thứ nhất là hoàn trả nguyên trạng; phương án thứ hai là cải tạo vị trí tuyến sang phía bên trái (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk). Kinh phí dự kiến gần 200 tỷ đồng và thời gian thi công từ 9-11 tháng.
Ông Nguyễn Đình Trạc cho biết, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh Đắk Nông, công ty sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi để chọn đơn vị tư vấn, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi để chọn ra phương án tốt nhất nhất trong việc khắc phục sự cố sụt lún tại Gia Nghĩa. Quan điểm của công ty là nỗ lực hết mình, tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, ngành chức năng trong việc khắc phục sự cố sụt lún cũng như an toàn trên tuyến Hồ Chí Minh. Kinh phí khắc phục lớn và nếu BOT Đức Long được giao thực hiện thì các bên sẽ phải có phương án tài chính phù hợp, đúng quy định pháp luật.
“Trong những năm tiếp theo, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị, chúng tôi cũng rất mong muốn người dân cần chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ hành lang tuyến đường. Chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông. Qua đó, bảo đảm cho tuyến đường được quản lý, vận hành tốt; quan trọng hơn là bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”, Giám đốc BOT Đức Long Nguyễn Đình Trạc bày tỏ.