Công nghệ

40% lao động sắp mất việc vào tay AI

PV 10/10/2024 21:23

Vào năm 2030, khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI.

Sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot đang dần thay thế nhiều vị trí lao động trong xã hội, đặt ra những thách thức lớn cho lực lượng lao động, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam trong tương lai.

Tại "Diễn đàn mở cơ hội nghề nghiệp sinh ra từ công nghệ mới" diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc), các chuyên gia đã phân tích những khó khăn và thách thức mà người lao động phải đối mặt trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng thời đưa ra những cơ hội tiềm năng cho giới trẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT đã nhận định rằng, thế giới luôn có những ngành nghề mới và cũng sẽ có những ngành nghề cũ bị mất dần đi. Ông cũng trích dẫn một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi đầu năm 2024, cho biết vào năm 2030, khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI.

Đại học FPT đã thử nghiệm sử dụng công cụ AI như ChatGPT để phân tích bài văn hay trình bày định lý toán học. Kết quả cho thấy AI có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của một giáo viên, thậm chí cá nhân hóa bài giảng dựa trên năng lực của từng học sinh, đây là điều chỉ có trí tuệ nhân tạo mới thực hiện được. Ông Tiến thừa nhận: "Dù tôi rất cố gắng, cũng không thể làm được điều mà AI có thể làm".

Không chỉ giáo viên, ngành kế toán cũng là lĩnh vực bị đe dọa mạnh mẽ bởi sự phát triển của AI. Ông Hoàng nam Tiến khẳng định, trong 100 người làm kế toán, chỉ khoảng 20% sẽ được giữ lại, dù những người mất việc có thể có kinh nghiệm và chuyên môn tốt. AI có khả năng thực hiện công việc kế toán nhanh hơn, chính xác hơn, và tiết kiệm chi phí hơn con người.

dautu.kinhtechungkhoan.vn-stores-news_dataimages-2024-102024-04-11-_hoang-nam-tien20241004114530.jpg
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT chia sẻ tại diễn đàn

Ông Tiến dự đoán, với tốc độ phát triển của AI và robot, khoảng 20-30% lực lượng lao động sẽ được trả lương cao hơn nhờ vào khả năng thích nghi với công nghệ mới. Tuy nhiên, 70% lao động còn lại có nguy cơ rơi vào tình trạng "tầng lớp vô dụng trong tương lai", vì không còn phù hợp với thị trường lao động hiện đại. Tương lai này có thể đến sớm vào năm 2030.

Lời cảnh báo của ông Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho những thay đổi sâu rộng trong thị trường lao động, đồng thời thúc đẩy người lao động và sinh viên trang bị cho mình những kỹ năng mới để thích ứng với sự phát triển không ngừng của công nghệ.

Những chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến tại Diễn đàn cũng tương đồng với nhận định và chiến lược mà Tập đoàn FPT đang đặt ra. Tại Đại hội đồng cổ đông FPT 2024 được tổ chức vào tháng 4, Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói FPT sẽ đầu tư toàn bộ nguồn lực để bước vào cuộc “đặt cược” lớn nhất trong lịch sử, trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu về AI. Người đứng đầu FPT cho rằng, đến năm 2035, thay vì nỗ lực và tự hào khi có hàng vạn lập trình viên, FPT sẽ phải đặt một mục tiêu khác, đó là 1 triệu chuyên gia tư vấn AI. Đây là khát vọng và cũng là sứ mệnh lớn lao của FPT, đặt trong bối cảnh hiện tại, khi AI đang phát triển nhanh chóng, “đến mức công việc chúng ta làm hôm nay có thể không còn tồn tại vào ngày mai”.

Để đạt được mục tiêu lớn, ông Bình đề ra hướng đi cụ thể: “Mỗi người FPT phải nâng cao năng suất lao động 30%. Đấy là mục tiêu, bạn có thể đi học, bạn có thể tự thay đổi cách làm việc của chính mình. Trước đây bạn làm được 3 việc, hôm nay phải làm được 10 việc, hoặc ít nhất là 4 việc (tăng 30%). Chúng ta phải cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau làm. Mỗi người FPT phải là một chuyên gia AI, mỗi lãnh đạo FPT phải là lãnh đạo AI, mỗi đơn vị của FPT phải AI, mỗi sản phẩm – dịch vụ của FPT đều phải là AI. Tất cả phải là AI!”.

PV