Kinh tế

Triển vọng mô hình nuôi thỏ thoát nghèo ở xã vùng xa Đắk Nông

Văn Tâm 10/10/2024 08:39

Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) triển khai mô hình chăn nuôi thỏ cho các hộ nghèo, cận nghèo và hứa hẹn mang lại hiệu quả cao.

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong đã triển khai Dự án hỗ trợ giống thỏ sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Dự án được xem là hướng đi có nhiều triển vọng, giúp bà con khó khăn tăng thêm thu nhập và ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

bin.00_06_45_06.still003(1).jpg
Tổ chăn nuôi thỏ sinh sản, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) giúp hội viên hướng đến thoát nghèo

Cuối năm 2023, gia đình anh Vi Đình Thưởng, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong được bình xét tham gia vào tổ chăn nuôi thỏ với 7 thành viên khác. Tổ chăn nuôi thỏ được hỗ trợ 147 con thỏ giống (thỏ bố, mẹ), chuồng nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Theo anh Thưởng, gia đình anh cũng như một số hộ nghèo trong xã có đất vườn rộng, thuận lợi phát triển chăn nuôi nhưng không có vốn để đầu tư.

Từ khi được Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ 21 con thỏ giống, gia đình anh và các thành viên trong tổ rất phấn khởi. Hiện nay, đàn thỏ phát triển tốt, thỏ sinh sản đều và bà con đã có thỏ bán để trang trải cuộc sống.

Anh Thưởng cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi nuôi gà nhưng mỗi lần bị dịch đều thiệt hại rất lớn. Sau khi chuyển sang nuôi thỏ thì rất thuận lợi. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, nên chi phí đầu tư không cao lắm. Nguồn thu nhập từ thỏ giúp tôi cải thiện cuộc sống gia đình”.

Còn gia đình anh Bùi Văn Chính, xã Đắk Plao cũng được cấp 21 con thỏ giống, chuồng nuôi và thức ăn chăn nuôi ban đầu. Trước khi được cấp thỏ, anh đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thỏ, cách phát hiện và phòng trị dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nhờ đó, anh đã áp dụng chăn nuôi thỏ hiệu quả.

Đàn thỏ của gia đình anh Bùi Văn Chính, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) phát triển tốt
Đàn thỏ của gia đình anh Bùi Văn Chính, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) phát triển tốt

Anh Chính cho hay: “Từ 21 con thỏ giống ban đầu, đến nay đàn thỏ của gia đình đã tăng lên hơn 100 con. Nuôi thỏ không khó, vì thức ăn dễ kiếm, thỏ sinh sản nhanh. Cứ 3 tháng thỏ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 5 - 10 con, nên tôi tiếp tục đầu tư chuồng trại để tăng số lượng đàn thỏ”.

Theo ông Lê Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, để mô hình nuôi thỏ đạt kết quả cao, trước khi thực hiện dự án, xã đã yêu cầu các thôn, bon tiến hành họp dân để bình xét chọn đối tượng và lựa chọn vật nuôi.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, xã đã tiến hành mua con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ bà con làm chuồng trại để chăn nuôi.

Việc chăn nuôi thỏ được tổ chức bài bản; chính quyền địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra và hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh.

Theo đánh giá của UBND huyện Đắk Glong, mô hình nuôi thỏ tại xã Đắk Plao đang phát huy hiệu quả. Thỏ con nuôi từ 4 - 5 tháng là có thể sinh sản.

Thỏ trưởng thành trong vòng 3 tháng có thể sinh sản lứa thứ hai, mỗi lứa từ 5 - 10 con; nuôi khoảng 4 tháng tuổi, thỏ có thể xuất chuồng, mỗi con đạt trọng lượng gần 3kg.

Hiện thỏ giống có giá bán 130.000 đồng/kg, thỏ thịt 80.000 đồng/kg. Từ những kết quả đạt được ban đầu, huyện đánh giá đây là hướng đi phù hợp, tạo sinh kế cho các hộ đồng bào nghèo trên địa bàn cải thiện cuộc sống.

bin.00_00_55_21.still004.jpg
Trong quá trình chăn nuôi, bà con thường xuyên được hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh cho đàn thỏ

“Hiện nhu cầu về thỏ thịt khá cao, thị trường tiêu thụ rộng. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, giúp người dân có thêm lựa chọn vật nuôi mới, địa phương rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc ổn định đầu ra cho sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Plao Lê Văn Hào cho biết thêm.

Văn Tâm