Hơn 160 doanh nghiệp Đắk Nông kết nối với ngân hàng
Nhiều khó khăn, vướng mắc, những giải pháp trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng tại Đắk Nông đã được các doanh nghiệp đề xuất với ngân hàng.
Ngày 9/10, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và hơn 160 doanh nghiệp tham dự.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng hiện nay. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến tài sản thế chấp, kỳ hạn vay vốn, thủ tục vay vốn còn khắt khe…
Liên quan đến tài sản thế chấp, ông Nguyễn Kha, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Dũng cho hay, tổng mức đầu tư của công ty hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không hề vay được một món nào ở các ngân hàng tại Đắk Nông.
Nguyên nhân là do công ty phải trả tiền thuê đất hàng năm chứ không được trả tiền một lần. Điều này không đủ điều kiện để ngân hàng cho vay vốn đối với tài sản trên đất.
“Chúng tôi muốn địa phương tạo điều kiện để có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đầu tư 100% vốn là không thể”, ông Kha khẳng định.
Ông Nguyễn Công Quý, Giám đốc Công ty Cà phê Hương Quê mong muốn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn theo hình thức tín chấp.
Ngoài tài sản thế chấp hiện có, những hợp đồng với đối tác có giá trị lớn, hiệu quả kinh tế cao, ngân hàng nên xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.
Về thời hạn cho vay, bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho rằng, doanh nghiệp đang vay vốn tại ngân hàng nhưng 6 tháng phải đáo hạn.
“Hàng nhập về chưa xuất đi hết, nguồn vốn quay vòng chưa đủ lại phải lo đi đáo hạn ngân hàng. Chúng tôi mong muốn, ngân hàng xem xét nâng thời hạn cho vay, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian quay vòng vốn”, bà Dịu đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ nêu, hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo kịp thời nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
Bởi rất nhiều tiêu chí, điều kiện được đưa ra từ các tổ chức tín dụng khác nhau. Các tổ chức tín dụng cần thông thoáng hơn trong thực hiện các điều kiện, thủ tục vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Đối với những vướng mắc nêu tại hội nghị, đại diện các tổ chức tín dụng, các sở, ngành, địa phương đã giải đáp cho doanh nghiệp.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến hết tháng 9/2024, Đắk Nông có hơn 800 trong số khoảng 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động vay vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với dư nợ gần 7.230 tỷ đồng; chiếm 14,61% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế tại Đắk Nông.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, Đắk Nông đang rất khó khăn về nhiều thứ. Chỉ khi nào gỡ vướng được, doanh nghiệp nói riêng và Đắk Nông nói chung mới phát triển được.
“Chúng ta thẳng thắn, nhìn nhận những vướng mắc, khó khăn, cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ kịp thời để tìm tiếng nói chung”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, tại sao các doanh nghiệp trong tỉnh không tiếp cận vốn tại địa bàn mà phải đi ra ngoài vay các tổ chức tín dụng khác.
Phải chăng, ngoài mối quan hệ cá nhân, liệu các tổ chức tín dụng tại Đắk Nông quá dè dặt. Ngân hàng Nhà nước tỉnh thăm dò số lượng doanh nghiệp đang vay vốn ngoài tỉnh để tiếp nhận ý kiến. Trên cơ sở này tìm ra những giải pháp tháo gỡ từng khó khăn.
Còn về phía UBND tỉnh sẽ luôn luôn tạo mọi điều kiện tối đa liên quan đến hoạt động tín dụng. Đắk Nông tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, hiệu quả, triển khai chính sách kịp thời đến với cộng đồng doanh nghiệp.