Pháp luật

Cảnh giác với tội phạm tiêu thụ tiền giả

Hoàng Thanh {Ngày xuất bản}

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tội phạm tiêu thụ tiền giả diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi với nhiều phương thức, thủ đoạn.

Theo Công an Đắk Nông, bọn tội phạm thường dùng thủ đoạn đem tiền giả có mệnh giá lớn để mua những hàng hóa có giá trị nhỏ ở các cửa hàng tạp hóa ven đường để nhận lại tiền thừa là tiền thật.

Thời gian tiêu thụ vào thời điểm nhá nhem tối; địa bàn tiêu thụ tiền giả ở những nơi có trình độ dân trí thấp, vùng sâu, vùng xa.

z5867891941578_027171f8b64be5efcc6ef72805386b13(1).jpg
Công an Đắk Nông bắt giữ một đối tượng tàng trữ, tiêu thụ tiền giả cùng tang vật

Năm 2020, Công an tỉnh Đắk Nông đã từng khởi tố một đường dây tiêu thụ tiền giả tại địa bàn huyện Đắk Glong. Đối tượng tại địa bàn đã mua lại tiền giả của một đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh về tiêu thụ.

Thủ đoạn của chúng là dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mua thẻ cào điện thoại loại 50.000 hay 100.000 đồng, mua nước giải khát hay thuốc lá, vé số… Do chọn thời điểm tối nên người bán hàng khó phát hiện. Chúng đã tiêu thụ trót lọt hàng chục triệu đồng.

Vụ án này Công an Đắk Nông đã khởi tố đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả gồm 16 đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố. Số tiền chúng đã sản xuất và tiêu thụ gần 2 tỷ đồng.

Gần đây, tại một số địa bàn, trong đó có Tây Nguyên lại xuất hiện tội phạm này. Qua điều tra của lực lượng công an, khi đi tiêu thụ, các đối tượng thường đi hai người, dùng xe mô tô để thuận lợi di chuyển.

Thời gian phạm tội của chúng cũng thường là vào lúc chập choạng tối, tờ mờ sáng, nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra.

Nhiều đối tượng còn trà trộn vào những nơi có nhiều khách hàng ra vào liên tục, giờ cao điểm tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn… lợi dụng người bán hàng đang bận rộn để thực hiện hành vi lưu hành tiền giả.

z5867891945173_fbecb3f0a5b53a3ed198c32ee1ee9dc0(1).jpg
Tiền giả được các đối tượng phạm tội rao bán tràn lan trên mạng

Người trực tiếp tiêu thụ tiền giả thường không phải là đối tượng chính và chỉ mang theo số lượng tiền giả không nhiều, nếu bị phát hiện thì nhanh chóng nhận lại tiền giả, đồng thời trả bằng tiền thật và nói rằng mình bị nhầm lẫn; nếu không bị phát hiện thì tiếp tục tiêu thụ ở những địa điểm khác.

Đối tượng phạm tội về tiền giả thường không có nghề nghiệp ổn định, nhiều đối tượng nghiện ma túy, thậm chí nhiều người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị các đối tượng phạm tội lôi kéo.

Trước tình trạng trên, lực lượng công an đã khuyến cáo cho người dân cách phân biệt tiền thật, tiền giả. Có nhiều cách để phân biệt tiền thật, tiền giả và một trong những cách thủ công, đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra.

Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền nhanh chóng đàn hồi, trở lại trạng thái ban đầu. Đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì không có sự đàn hồi.

Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các chi tiết in nổi trên tờ tiền như Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, số mệnh giá. Ở tiền thật khi vuốt lên có cảm giác nhám, ráp; còn đối với tiền giả khi vuốt lên có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật.

Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về các hành vi liên quan đến tiền giả, cụ thể: Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo giá trị tiền giả, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm hoặc chung thân.

Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân.

Khi phát hiện sự việc, đối tượng nghi vấn liên quan đến tiền giả cần kịp thời báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, qua số điện thoại: 02613546 228 để điều tra, xử lý theo quy định.

Hoàng Thanh