Huyện biên giới Đắk Nông coi trọng phát triển giáo dục
Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đặt mục tiêu đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục để tạo đà phát triển bền vững cho địa phương.
Phát triển giáo dục gắn với nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại huyện biên giới Tuy Đức.
Một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM là phát triển hệ thống giáo dục, đặc biệt là việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm tỷ lệ phổ cập giáo dục ở các cấp học.
Huyện Tuy Đức với đặc điểm khu vực vùng biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Huyện luôn đối mặt với thách thức trong việc bảo đảm cơ sở vật chất trường học và thu hút học sinh đến lớp.
Tuy nhiên, nhờ vào các chính sách của Nhà nước và nỗ lực của chính quyền địa phương, hệ thống giáo dục của huyện đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Tính đến hết năm học 2023 - 2024, huyện Tuy Đức đã có 12 trường học đạt chuẩn quốc gia và trong năm học này, huyện đặt mục tiêu công nhận thêm 3 trường.
Các trường như Trường mầm non Hoa Hồng, THCS Quang Trung và THCS Ngô Quyền đang trong quá trình hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục để được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Hàng năm, UBND huyện Tuy Đức đã dành một khoản đầu tư lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cấp, sửa chữa và xây mới hàng loạt công trình trường học.
Trong đó, hơn 66 tỷ đồng được phân bổ cho các công trình mới như Trường tiểu học và THCS Vừ A Dính; Trường mầm non Sơn Ca và một số trường khác.
Toàn huyện Tuy Đức có 491 phòng học. Tỷ lệ bình quân 1,06 phòng học/lớp; có 66 phòng học bộ môn, chức năng cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học.
Các công trình này không chỉ cải thiện môi trường học tập cho học sinh mà còn góp phần hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất trong chương trình xây dựng NTM.
Dù đã có nhiều cải thiện về cơ sở vật chất và mạng lưới trường lớp, nhưng huyện Tuy Đức vẫn phải đối mặt với thách thức lớn là vấn đề thiếu hụt giáo viên.
Năm học 2024 - 2025, toàn huyện thiếu 116 chỉ tiêu giáo. Điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là ở các môn học chuyên ngành như tiếng Anh, Tin học.
Năm học 2024 - 2025, Tuy Đức có 14.686 học sinh 3 cấp học, trong đó có 6.799 học sinh (46,2%) đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có 834 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hệ công lập và 69 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hệ ngoài công lập.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, ngành Giáo dục huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều giải pháp như điều động giáo viên dạy liên trường, tăng cường hợp đồng giáo viên ngắn hạn, tổ chức tuyển dụng bổ sung...
Huyện cũng chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy
Nâng cao tri thức cho người dân nông thôn
Một trong những nổi bật của ngành Giáo dục Tuy Đức trong những năm qua là việc duy trì và nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học mức độ 3 và THCS mức độ 2.
Bên cạnh đó, công tác xóa mù chữ cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Năm học 2023 - 2024, huyện đã mở được 13 lớp xóa mù chữ với 341 học viên tham gia.
Trong năm học này, ngành Giáo dục huyện tiếp tục đặt mục tiêu mở thêm các lớp xóa mù chữ ở các xã vùng sâu, vùng xa như Đắk Ngo, Quảng Trực...
Việc đẩy mạnh xóa mù chữ không chỉ giúp nâng cao trình độ dân trí mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng NTM, khi kiến thức và giáo dục là nền tảng phát triển bền vững.
Năm học 2023 - 2024, Tuy Đức có 34 trường học, với tổng số 15.295 học sinh, tăng 437 học sinh so với năm trước. Huyện đã đạt được các tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM như tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99.49%; tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 94%.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục huyện Tuy Đức đặt ra mục tiêu cụ thể gắn với các tiêu chí chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh việc hoàn thành các tiêu chí về phổ cập giáo dục, nâng cao tỷ lệ trẻ đến lớp, huyện còn phấn đấu mở rộng và nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia.
Đây là những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục vững mạnh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức khẳng định, ngành Giáo dục đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ trẻ đến lớp, xây dựng thêm các trường đạt chuẩn quốc gia và tiếp tục mở rộng các lớp học xóa mù chữ ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Ngoài mục tiêu chung của ngành, các trường dựa vào điều kiện cụ thể để để nâng cao chất lượng dạy và học, hướng tới chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Năm học 2024 - 2025, huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt như: kéo dài thời gian tuyển sinh, hỗ trợ gia đình học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận giáo dục...
Đây cũng là một phần trong cam kết của huyện trong việc đáp ứng các tiêu chí về phổ cập giáo dục của chương trình xây dựng NTM hiện nay.
Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, công tác giáo dục không chỉ đóng vai trò nâng cao dân trí mà còn là yếu tố quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương.
Giáo dục là nền tảng của mọi sự phát triển. Huyện Tuy Đức hiểu rằng, để đạt được những mục tiêu lớn thì việc đầu tư vào giáo dục là điều cốt lõi.
“Tỷ lệ trẻ đến lớp toàn huyện đạt trên 95%, một số xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở mức cao. Đây là thành quả lớn, không chỉ đáp ứng các tiêu chí của NTM mà còn tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tri thức,” ông Phú cho biết.
Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện giảng dạy và nỗ lực duy trì các tiêu chí phổ cập giáo dục, ngành Giáo dục Tuy Đức đang đi đúng hướng trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của huyện.
Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục mà còn tạo đà cho huyện Tuy Đức đạt được những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng NTM.