Đắk Nông lắng nghe, chia sẻ cùng doanh nhân, doanh nghiệp
Đắk Nông luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ để cùng doanh nhân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng phát triển.
Đắk Nông luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ để cùng doanh nhân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng phát triển.
ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP
Thời gian qua, Đắk Nông luôn nỗ lực đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các khu vực kinh tế.
Hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nhân, doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm. Chương trình “Cà phê doanh nhân” là minh chứng rõ ràng nhất cho thông điệp đồng hành, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Tại đây, doanh nhân có cơ hội vừa thưởng thức cà phê, vừa chia sẻ những khó khăn, vướng mắc một cách thoải mái mà không phải e ngại, khoảng cách với các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này giúp doanh nhân tự tin phản ánh vấn đề và hiến kế cho chính quyền.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, tỉnh đã thành lập các đoàn để trực tiếp giải quyết những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đối thoại hàng quý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được lắng nghe và chia sẻ.
Gần đây, HĐND tỉnh đã thông qua hai nghị quyết quan trọng về chính sách ưu đãi cho các HTX và các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Qua đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẵn sàng tổ chức các buổi gặp gỡ vào sáng thứ Bảy hàng tuần, giúp doanh nhân nhanh chóng giải quyết những vấn đề phát sinh.
Cùng với những cải cách hành chính, Đắk Nông đã có bước tiến vượt bậc trong Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Năm 2023, tỉnh đã vươn lên vị trí thứ 21, tăng 17 bậc so với năm trước.
Thành quả này khẳng định nỗ lực cải cách hành chính và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hứa hẹn một cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp tại Đắk Nông.
TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM
Nông sản của Đắk Nông hiện vẫn đối diện với nhiều rủi ro. Nông sản thường xuyên bị dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, làm giảm giá trị xuất khẩu.
Từ tháng 2/2025, khi các nước châu Âu sẽ tăng cường tiêu chí đối với nông sản nhập khẩu, sản phẩm nông sản chất lượng cao của địa phương có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh.
Để cải thiện tình hình, chính quyền các cấp cần đưa ra những chính sách và cơ chế pháp lý mạnh mẽ hơn trong nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm địa phương, mà còn thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Đặc biệt, để thay đổi nông nghiệp một cách bền vững đang rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, ngân hàng và nhà khoa học là điều vô cùng cần thiết. Sự hợp tác này sẽ tạo ra mắt xích liên kết tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.
KẾT NỐI VỚI NGUỒN VỐN VAY CHO DOANH NGHIỆP
Doanh nhân, doanh nghiệp của Đắk Nông hoạt động ở quy mô nhỏ, mới khởi nghiệp, nên đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về vốn và thị trường. Công tác quản trị doanh nghiệp hạn chế càng làm tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Nhằm khắc phục những thách thức này, Hội Doanh nhân trẻ Đắk Nông dự kiến thời gian tới sẽ chủ động kết nối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Mục tiêu là tạo điều kiện cho hội viên doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình vươn xa ra thế giới, nâng cao giá trị thương hiệu và tiềm năng xuất khẩu.
Bên cạnh việc kết nối với các nhà đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp mong muốn được cải thiện là kết nối với ngân hàng tín dụng.
Việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, khi giá trị nông sản tăng lên, nhu cầu về dòng vốn cũng tăng theo để bảo đảm hoạt động sản xuất diễn ra được liên tục và hiệu quả.
QUY HOẠCH RÕ RÀNG, DOANH NGHIỆP YÊN TÂM ĐẦU TƯ
Tình hình quy hoạch đất đai hiện nay tại Đắk Nông đang gặp phải nhiều thách thức, nhất là trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang mong muốn xây dựng kho bãi, nơi tập kết hàng hóa, nhưng gặp khó khăn vì vướng quy hoạch. Doanh nghiệp không thể chờ đợi nhiều năm để điều chỉnh quy hoạch.
Việc xây dựng một hệ thống quy hoạch đất thương mại hiệu quả, nhất là ở những khu vực không nằm trong vùng bô xít, là cần thiết để doanh nghiệp có thể ổn định và phát triển lâu dài.
Khi không có các khu vực quy hoạch rõ ràng cho thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chính quyền cần xem xét việc điều chỉnh quy hoạch đất đai, bảo đảm có đủ không gian cho các hoạt động thương mại và dịch vụ.
KẾT NỐI VỚI NHIỀU THỊ TRƯỜNG LỚN
Sau 10 năm hoạt động tại Đắk Nông, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lớn từ chính quyền địa phương, nhất là trong việc quảng bá sản phẩm tại các sự kiện trong và ngoài nước.
Qua những lần xúc tiến thương mại, doanh nghiệp nhận thấy, người tiêu dùng quốc tế rất coi trọng sản lượng và chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Điều này đặt ra một thách thức lớn về năng lực cung cấp của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc mở rộng vùng nguyên liệu và khả năng sản xuất sẽ là những yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu lớn từ nhiều thị trường.
Sản phẩm của doanh nghiệp hiện được tiếp cận tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ. Những sản phẩm này đang trở thành hàng hiếm ở các thị trường này.
Doanh nghiệp mong muốn, tỉnh sẽ có nhiều chương trình kết nối giao thương với những thị trường lớn trên thế giới, để được tiếp cận và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng từ nhiều quốc gia khác nhau.
Từ đó có những bước chuẩn bị cần thiết, vững vàng trước khi doanh nghiệp đưa nông sản Đắk Nông vươn xa hơn nữa.
SÁT CÁNH GỠ VƯỚNG KỊP THỜI CHO DOANH NGHIỆP
Sau ba năm hoạt động tại Đắk Nông, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong đầu tư khai thác khoáng sản phục vụ xây dựng, do đây là thị trường mới.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu về khoáng sản phục vụ xây dựng, sửa chữa đường sá, cầu cống trên địa bàn hiện rất lớn. Điều này mở ra cơ hội để doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều thách thức.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối diện là việc vận chuyển hàng hóa đến các công trình, nhất là tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), một khu vực vùng sâu, vùng xa với điều kiện giao thông khó khăn.
Doanh nghiệp hiện đang phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khai thác của mình.
Doanh nghiệp rất mong muốn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương. Việc lắng nghe, giải quyết nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc sẽ giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động, khai thác tốt hơn tiềm năng của khu vực.