Nhận diện thách thức quy tụ phụ nữ
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một thời gian dài trước đây, công tác thu hút, tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Nhiều khó khăn trong tập hợp phụ nữ
Trong một lần về công tác tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, khi hỏi chuyện về tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chúng tôi đã nghe chị Nông Thị Hoài Thương, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Đắk Snao 2 cho biết: “Chị em ở đây ngày ngày lên nương, lội ruộng, vất vả làm lụng để nuôi sống gia đình nhưng rất thích có chỗ giao lưu, sinh hoạt với nhau. Nhưng thực tình, nhiều chị em thường thắc mắc với tôi là vào hội sinh hoạt để được gì?”
Mang trăn trở trao đổi với bà H’ Mhêl, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong, bà cho biết: Bà con hỏi vô tư nhưng đó là trăn trở đối với công tác tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ của Hội LHPN huyện. Trong công tác tập hợp phụ nữ sinh hoạt hội huyện Đắk Glong có nhiều bất lợi như: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dân di cư sinh sống không tập trung, bất đồng ngôn ngữ, dân trí không đồng đều. Tình trạng mù chữ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xâm hại phụ nữ và trẻ em chưa được ngăn chặn, giảm thiểu triệt để. Trong khi đó, nội dung sinh hoạt của các cơ sở hội chưa có sự đổi mới, sáng tạo. Công tác tuyên truyền vận động chưa đa dạng, cán bộ phụ nữ thiếu kỹ năng, thiếu đi sâu đi sát vào đời sống, nên chưa kịp thời giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho chị em.
“Xuất phát từ nhiều nguyên nhân đó nên cả một thời gian dài trước đây, Đắk Glong được xếp vào diện yếu kém trong công tác tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ. Toàn huyện có đến 5 xã, Quảng Khê, Đắk R’măng, Quảng Sơn, Đắk Ha, Đắk Som có tỷ lệ thu hút hội viên chỉ đạt dưới 60%”, bà H’ Mhêl, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong chia sẻ.
Tương tự, ở huyện Đắk Mil, với đặc thù của địa phương là đa số phụ nữ theo tôn giáo, có đức tính siêng năng, cần cù, chịu khó lao động sản xuất nhưng việc tập hợp, thu hút hội viên cũng gặp không ít khó khăn. Một bộ phận phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, gánh nặng gia đình nên thật sự là một trở ngại lớn trong việc tập hợp hội viên.
Bà Nguyễn Thúy Luân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Mil cho biết, từ thực tế đó, để phong trào của hội ngày thêm khởi sắc, tạo tiền đề cho công tác vận động thu hút phụ nữ tôn giáo tham gia vào tổ chức hội, các cấp hội phụ nữ luôn trăn trở, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực mới có thể vượt qua trở ngại.
Đâu là nguyên nhân?
Đầu nhiệm kỳ 2021-2026, tổng số hội viên trên địa bàn tỉnh là 85.447/127.289 tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có mặt tại địa bàn (hội viên dân cư: 71.712, hội viên đương nhiên: 13.735). Sau khi rà soát, toàn tỉnh có rất nhiều cơ sở hội tỷ lệ thu hút hội viên dưới 60%, được xem là một thách thức không nhỏ đối với các cấp hội. Nhiều xã, phường, thị trấn có tỷ lệ thu hút thấp như: Quảng Khê 35%, Đắk R’măng 39%, Quảng Sơn 46%, Đắk Ha 50%, Đắk Som 58% (Đắk Glong); Đắk R'moan 54%, Đắk Nia 55%, Quảng Thành 54%, Nghĩa Đức 59%, Nghĩa Phú 55% (Gia Nghĩa); Đắk Ngo 54%, Quảng Trực 57% (Tuy Đức); Đắk D’rông 57%, Trúc Sơn 59% (Cư Jút); Long Sơn 58% (Đắk Mil).
Theo phân tích của Hội LHPN tỉnh Đắk Nông, qua thực tế cho thấy, việc triển khai công tác thu hút phụ nữ, phát triển hội viên một thời gian dài trước đó vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, một số tổ chức hội chưa linh hoạt trong triển khai xây dựng các loại hình hoạt động và chưa có giải pháp hiệu quả tháo gỡ khắc phục những điều kiện khó khăn đặc thù. Hoạt động tập hợp, thu hút chưa phong phú, chưa đổi mới. Nội dung, chất lượng sinh hoạt tại các chi hội còn nghèo nàn, triển khai nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ chị em chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn. Một bộ phận cán bộ hội thiếu nghiệp vụ, kỹ năng, thiếu tính nhạy bén, nhiệt huyết và thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm công tác.
Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ đặc thù khó vận động như phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa; phụ nữ tôn giáo tham gia sinh hoạt trong các điểm chùa, nhà thờ; phụ nữ dân tộc thiểu số bất đồng ngôn ngữ; phụ nữ tiểu thương, hưu trí không nhiệt tình tham gia; phụ nữ độ tuổi kết hôn chăm lo gia đình, phát triển kinh tế; phụ nữ dân tộc thiểu số di cư tự do còn ràng buộc trong tập quán ít dành cơ hội, điều kiện giao lưu với cộng đồng.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu nghị quyết đề ra
Từ thực tế công tác tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ gặp nhiều khó khăn, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đắk Nông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã đặt ra chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 5.500 hội viên và phấn đấu 100% cơ sở hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn. Nghị quyết xác định công tác vận động, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia vào tổ chức hội là nhiệm vụ trọng tâm, việc làm thường xuyên và lâu dài.
Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết, nghị quyết đặt ra chỉ tiêu về tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức hội nhằm khẳng định, phát huy vai trò, vị thế của lực lượng phụ nữ trong việc đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII. Hội LHPN tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết gắn với mục tiêu, các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đó, các cấp hội phụ nữ xác định vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhằm bảo đảm tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn các cấp hội thực hiện chỉ tiêu phát triển hội viên và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cơ sở hội chưa đạt tỷ lệ tập hợp trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia sinh hoạt hội. Cùng với thực hiện rà soát, thống kê, cập nhật số lượng, dữ liệu hội viên trên phần mềm, các cấp hội cần phân tích nguyên nhân, xác định lộ trình và giải pháp hỗ trợ, đồng hành cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề bàn về giải pháp phát triển hội viên.