Thúc đẩy tiến độ các dự án đường cao tốc tại Lâm Đồng
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 07:33, 03/10/2024
Đoạn đường cao tốc Liên Khương-Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ kết nối tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương. |
Sau chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các địa phương liên quan, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có những chỉ đạo cụ thể để "gỡ khó", nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án đường cao tốc trên địa bàn tỉnh, gồm đoạn Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương và đoạn Nha Trang-Đà Lạt thuộc tuyến đường cao tốc Nha Trang-Liên Khương, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Khẳng định vai trò kết nối quan trọng
Sau khi nắm bắt tình hình triển khai và những kiến nghị liên quan đến dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương trong tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, tuyến đường cao tốc này có vị trí, vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là hệ thống cảng biển Đông Nam Bộ và các trung tâm kinh tế-xã hội, công nghiệp.
Từ năm 2021, Trung ương đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ địa phương sớm đầu tư xây dựng các dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. Các dự án thành phần Tân Phú-Bảo Lộc (66 km) và Bảo Lộc-Liên Khương (73,6 km), do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2022.
Tuy nhiên, hai dự án này đang có một số vướng mắc, chưa phê duyệt được dự án, ảnh hưởng đến tiến độ khởi công của các dự án. Phó Thủ tướng cho rằng, tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên.
Với đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt (hơn 80 km), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đây là tuyến đường bộ ngắn nhất, kết nối hai địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh là duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn của đất nước là Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Về cơ sở đề xuất triển khai dự án, lãnh đạo hai địa phương thông tin, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao; cần có tuyến đường chất lượng cao và an toàn, kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm là Đà Lạt và Nha Trang, nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng-an ninh của khu vực; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ… Do vậy, nhu cầu sớm đầu tư tuyến đường cao tốc này là rất cần thiết.
Gỡ khó để thúc đẩy tiến độ các dự án
Từ khẳng định vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối, để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có những chỉ đạo cụ thể.
Đối với đoạn Tân Phú-Bảo Lộc, Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã có ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng sớm thống nhất và có ý kiến bằng văn bản khẳng định đối với nội dung như phương án đề xuất (không điều chỉnh tăng vốn nhà nước tham gia dự án, không đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu và việc điều chỉnh các nội dung khác của báo cáo nghiên cứu khả thi không dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Luật PPP).
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc đối với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư; kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án thống nhất với quy định pháp luật về PPP; đồng thời, giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Lâm Đồng để đề xuất phương án giải quyết kịp thời, khả thi đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo nguyên tắc thẩm quyền của Chính phủ đến đâu, xử lý ngay đến đó), để sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án theo phương thức đối tác công tư.
Với đoạn Bảo Lộc-Liên Khương, dự án này thuộc thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, việc điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án bảo đảm không quá 50%, theo quy định của Luật PPP.
"Việc triển khai đoạn các dự án thuộc đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương cần bảo đảm đồng bộ, công bằng. Do vậy, cần nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách tương đồng giữa dự án Bảo Lộc-Liên Khương và Tân Phú-Bảo Lộc để nâng cao hiệu quả, tính khả thi của các dự án", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về vướng mắc liên quan đến phần diện tích của hai dự án đường cao tốc nêu trên chồng lấn với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phó Thủ tướng đề nghị địa phương có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể, theo hướng lấy quy hoạch đất đai làm gốc, trong đó đã có đất dành cho công trình giao thông cho nên dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được ưu tiên làm trước; khoáng sản được đưa vào quy hoạch dự trữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Đối với đoạn Nha Trang-Đà Lạt, để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai dự án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu triển khai dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hai địa phương Lâm Đồng, Khánh Hòa sớm thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, có văn bản báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định giao một địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và nhà đầu tư đề xuất dự án về thiết kế hướng tuyến, các giải pháp kỹ thuật xây dựng để giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến rừng, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, hiệu quả đầu tư và các thủ tục để triển khai dự án trước năm 2030; đồng thời, giao các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn các địa phương và nhà đầu tư đề xuất dự án các nội dung, thủ tục liên quan, để sớm hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng dự án.