Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Glong
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thoát nghèo nhờ vào các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Hiệu quả từ các mô hình sinh kế
Anh Sùng A Sà, thôn 5, xã Đắk P'lao, huyện Đắk Glong từng sống trong cảnh nghèo khó, do đất đai hạn chế. Cuối năm 2023, gia đình anh A Sà được hỗ trợ 12 cặp dúi giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để tạo sinh kế, phát triển kinh tế.
Chỉ sau ba tháng, đàn dúi của anh đã sinh sản và bắt đầu đem lại nguồn thu từ việc bán dúi thương phẩm và dúi giống. Với giá bán lên đến gần 600.000 đồng/kg cho dúi thương phẩm và 1,5 triệu đồng/kg cho dúi giống, gia đình anh đã có một nguồn thu nhập ổn định.
Chăn nuôi dúi không chỉ giúp anh A Sà có thêm thu nhập mà còn mang lại niềm vui, hy vọng mô hình phát triển kinh tế mới cho cả gia đình. “Dúi rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ voi, mía và tre, ngô hạt mà mình có thể tự trồng được. Đặc biệt, chúng ít mắc bệnh nên tôi yên tâm chăn nuôi,” anh Sà chia sẻ.
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi dúi, anh Sà đã quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. “Tôi nhận thấy việc nuôi dúi không khó, lại có hiệu quả kinh tế cao. Với nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này, gia đình tôi có thể cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo,” anh A Sà hào hứng nói về kế hoạch nhân rộng đàn dúi trong thời gian tới.
Tương tự, bà H’Beo, bon Sa Nar, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong có cơ hội thay đổi cuộc sống nhờ chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Cuối năm 2023, gia đình bà nhận được hỗ trợ 5 con dê giống cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi từ các cán bộ địa phương. “Ban đầu tôi lo lắng vì chưa có kinh nghiệm nuôi dê, nhưng nhờ cán bộ hướng dẫn tận tình, tôi đã biết cách chăm sóc chúng sao cho hiệu quả,” bà H’Beo chia sẻ.
Sau một thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê của bà H’Beo bắt đầu sinh sản, số lượng ngày càng tăng. Với tiềm năng kinh tế từ việc chăn nuôi dê, bà đã quyết định đầu tư thêm chuồng trại để mở rộng đàn. Đến nay, bà đã có hàng chục con dê, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Chăn nuôi gia súc không chỉ giúp tôi có tiền mua phân bón cho cây trồng, mà còn tạo nguồn thu nhập giúp gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, bà H’Beo nói.
Mô hình nuôi dê của bà H’Beo đã lan tỏa đến nhiều hộ dân khác trong bon Sa Nar. Đến nay, trong bon có 15 hộ gia đình được cấp dê giống, mỗi hộ 5 con. Nhờ sự đồng lòng, các hộ dân đều chăm sóc đúng kỹ thuật và đàn dê phát triển mạnh. “Chúng tôi đều rất vui mừng và cố gắng chăm sóc dê thật tốt để chúng sinh sản nhiều. Từ đó, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập để đầu tư cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và thoát nghèo,” bà H’Beo nhấn mạnh.
Sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển kinh tế không chỉ giúp một cá nhân hay gia đình, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng, giúp nhiều người dân cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Việc nhân rộng mô hình nuôi dê này đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Đắk Glong.
Nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững.
Trong những năm qua, huyện Đắk Glong đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm giúp người dân phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế. Huyện đã tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh để cấp phát giống cây trồng, vật nuôi, cùng các vật tư, công cụ phục vụ sản xuất. Đồng thời, huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, giúp họ tiếp cận những kiến thức mới.
Sự thành công của các mô hình phát triển kinh tế tại huyện Đắk Glong không chỉ đến từ sự nỗ lực của người dân mà còn là kết quả của sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền. Nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Các chương trình đã tạo ra động lực cho người dân tự lực vươn lên, đồng thời hình thành nên những mô hình sản xuất bền vững.
Huyện Đắk Glong đã triển khai 33 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, thu hút 364 thành viên tham gia. Trong đó, có 15 mô hình nuôi dê, 12 mô hình trồng dâu nuôi tằm, 2 mô hình nuôi bò, 2 mô hình cà phê, 1 mô hình nuôi thỏ và 1 mô hình nuôi dúi. Các mô hình này không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sinh kế bền vững cho người dân.
Huyện Đắk Glong đang phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống dưới 10%, với thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dự kiến đạt khoảng 17.280.000 đồng/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Để đạt hiệu quả tối đa, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp hộ nghèo nhận thức đúng về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giảm nghèo. Đồng thời, việc phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả được thực hiện, tạo điều kiện cho người dân học hỏi lẫn nhau, từ đó nâng cao khả năng sản xuất và tự lực trong phát triển kinh tế gia đình.
Ông Đặng Văn Hướng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Glong cho biết: "Nhờ các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Glong đã có bước chuyển biến rõ rệt. Các dự án hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đào tạo đã giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Việc lồng ghép các chương trình đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận các mô hình sản xuất mới, nâng cao nhận thức và chủ động vươn lên thoát nghèo."