Kinh tế

Đắk Nông tái canh gần 30.000ha cà phê để nâng hiệu quả kinh tế

Hưng Nguyên 01/10/2024 07:18

Nông dân Đắk Nông đang tích cực tái canh cà phê để khai thác hết tiềm năng đất đai, khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nin, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp trồng 4ha cà phê từ năm 2010. Sau nhiều năm canh tác, anh Nin đã tiến hành tái canh bằng cách ghép cải tạo cây cà phê.

Anh Nin cho biết, hiện vườn cà phê sau tái canh của gia đình thu hoạch đạt từ 3-5 tấn/ha, cao hơn giống cũ từ 1-2 tấn/ha. Đây là kết quả ngoài mong đợi của gia đình.

dsc01984-1-.jpg
Vườn cà phê tái canh của anh Nguyễn Văn Nin, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Ngoài việc tái canh bằng giống cà phê mới, anh Nin còn thay đổi phương pháp canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Nin không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu hái cà phê chín với tỷ lệ đạt trên 70%.

Hàng năm, gia đình anh Nin thu hoạch khoảng 4 tấn cà phê chất lượng cao, bán với giá cao hơn thị trường 20.000 đồng/kg nhờ việc kết nối với các đơn vị thu mua.

Anh Nin chia sẻ: "Tôi tạo thảm cỏ phủ cho đất, đồng thời trồng cây rừng và cây ăn quả để che bóng, chắn gió cho cà phê. Cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Khó khăn lớn nhất là việc thu hái cà phê chín chọn lọc, do chi phí lao động cao và khó thuê nhân công trong một số thời điểm."

Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao 335ha ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)
Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao 335ha ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)

Hiện nay, Đắk Nông có hơn 142.000ha cà phê và đây là nguồn thu nhập của khoảng 70.000 hộ dân. Sản lượng cà phê của tỉnh đạt khoảng 400.000 tấn mỗi năm, đóng góp hơn 300.000 tỷ đồng vào giá trị ngành Nông nghiệp.

Trước đây, cà phê ở Đắk Nông thường được trồng tự phát, sử dụng cây giống thực sinh và không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng lớn đến người sản xuất.

Sản xuất cà phê chưa mang tính bền vững và chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

cf(1).jpg
Nhiều giống cà phê mới năng suất, hiệu quả kinh tế cao được người dân Đắk Nông đưa vào tái canh

Theo rà soát của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, khoảng 50% diện tích cà phê đang sử dụng cây giống thực sinh, khiến độ đồng đều của vườn thấp, năng suất và chất lượng sản phẩm không cao.

Trước tình hình này, tỉnh Đắk Nông đã triển khai kế hoạch tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2021-2025. Tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tái canh cà phê.

Đến nay, toàn tỉnh đã tái canh được 29.980ha, trong đó tái canh đạt khoảng 23.037ha và ghép cải tạo đạt 4.942 ha. Hiệu quả kinh tế từ các vườn cà phê tái canh và ghép cải tạo cao hơn sản xuất đại trà khoảng 0,5-1,5 tấn/ha.

Ngành chức năng đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn quy trình tái canh và ghép cải tạo cà phê; xây dựng quy trình phù hợp với điều kiện thực tế tại từng huyện.

Hiện nay, sự chủ động tái canh cà phê của người dân đang góp phần tạo nên những vườn cà phê có hiệu quả kinh tế cao và chất lượng sản phẩm tốt.

Nhiều nông dân đã áp dụng mô hình sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, trồng xen các loại cây có giá trị cao như cây ăn quả, tiêu, mắc ca... mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

caphedaknong-5-(1).jpg
Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế từ cà phê ở Đắk Nông ngày càng tăng

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, người dân cần mạnh dạn thay thế những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, sâu bệnh bằng các giống chất lượng tốt.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân sử dụng các giống cà phê Robusta cao sản, có khả năng kháng bệnh rỉ sắt tốt như TR4, TR9, TR11, TRS1...

Đắk Nông đã hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil quy mô 335 ha. Tỉnh có gần 23.500ha cà phê sản xuất đạt các chứng nhận 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... sản lượng trên 82.000 tấn/năm. Khoảng 225 ha cà phê của tỉnh sản xuất theo quy trình đặc sản, chất lượng cao, sản lượng 251 tấn/năm.

Hưng Nguyên