Đắk Nông giảm tải các điểm sạt trượt ven đường Hồ Chí Minh
Sau hơn 10 ngày xử lý, doanh nghiệp BOT và BT Đức Long đã hoàn thành công tác giảm tải khối đất san nền bị sụt lún, sạt trượt ven đường Hồ Chí Minh qua Đắk Nông.
Ngày 26/9, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông Nguyễn Văn Quý đã xác nhận thông tin trên.
Theo ông Quý, khoảng 10 ngày đầu tháng 9/2024, ven đường Hồ Chí Minh qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp xuất hiện các điểm sụt lún. Đây là đoạn đường thuộc dự án nâng cấp, mở rộng do Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông triển khai.
Trong đó, 2 điểm sụt lún, sạt trượt nghiêm trọng nhất xảy ra tại Km1936+080 (bên trái tuyến) và Km1936+300 (bên phải tuyến). Các điểm sạt trượt này kéo dài cả trăm mét dọc đường Hồ Chí Minh.
Sau khi xảy ra sạt trượt, doanh nghiệp BOT đã đưa máy móc xuống đào thanh thải, giảm tải. Máy móc đã san ủi, chia tách cách khối đất san nền bị sụt lún theo hình thức giật cấp.
Tại Km1936+300, sau khi đào thanh thải, giảm tải thì chưa xuất hiện thêm các vết nứt mới so với thời điểm phát hiện. Các vết sụt lún cũ có chiều hướng phát triển thêm nhưng chậm, chênh lệch cao độ 1,5-2m so với mặt bằng cũ.
Khu vực sạt trượt tại Km1936+080 đang diễn biến hết sức phức tạp. Các vết nứt ngày càng rộng, phát triển nhanh và có xu hướng kéo toàn bộ khu đất nền tụt xuống phía ta luy âm.
Ngoài việc đào giảm tải khối đất san nền, doanh nghiệp BOT đã cắm xong 4 biển báo hạn chế tốc độ tối đa 40 km/giờ đối với xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 29 chỗ ngồi.
“Các điểm sạt trượt đều có xu hướng phát triển thêm nhưng chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vị trí này và các vị trí khác trên tuyến để kịp thời phát hiện, xử lý”, ông Quý cho hay.
Trước đó, Báo Đắk Nông đã thông tin về việc nhiều vị trí ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua dốc ông Bồ, xã Quảng Tín bị sạt trượt. Đây là khu vực có địa hình chia cắt mạnh, địa chất phức tạp và là 1 trong những “điểm đen” tai nạn giao thông của đường Hồ Chí Minh.
Các điểm xảy ra sạt trượt đều là những khối đất san nền do người dân san lấp mặt bằng trái phép. Ngành chức năng nhận định, việc san lấp mặt bằng trái phép đã làm tăng tải cho mái ta luy âm, dẫn đến xảy ra sạt trượt khi có mưa lớn.
Trước mắt, ngành chức năng yêu cầu BOT và các đơn vị liên quan tổ chức đào giảm tải cho khối đất san nền bị sạt trượt. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng san lấp mặt bằng trái phép, có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình đường Hồ Chí Minh.