Kinh tế

Đắk Nông gia tăng hiệu quả từ trồng rau an toàn

Văn Tâm 26/09/2024 08:26

Ngành Khuyến nông Đắk Nông đã xây dựng, nhân rộng mô hình rau VietGAP, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Từ nguồn kinh phí của khuyến nông Trung ương, từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh.

Mô hình có tổng quy mô 32ha, với 64 hộ nông dân tham gia. Mô hình tập trung vào sản xuất 2 loại rau, củ chính là cà rốt và cải bắp.

Những ngày cuối tháng 8/2024, gia đình bà Trần Thị Ngoan ở thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) cùng nhiều hộ dân phấn khởi tham gia “Ngày hội thu hoạch” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Bà Ngoan là một trong những hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

z5857878654700_ecf29cc190a0f5c027f048f3554ff6ae(1).jpg
Với 0,5ha cà rốt, gia đình ông Vũ Thanh Hoài ở thôn 7, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông) thu hoạch 17,5 tấn củ. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng

Theo bà Ngoan, mặc dù trồng trái vụ, nhưng vườn bắp cải hơn 0,5ha của bà vẫn đạt năng suất rất cao, với 40 tấn. Trong đó, tỷ lệ bắp cải loại 1 đạt 100%.

Bà Ngoan cho biết: “Tham gia mô hình, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ liên kết sản xuất, chúng tôi luôn yên tâm vì không phải lo lắng giá cả bấp bênh như trước nữa”.

dsc_2947-1-.jpg
Người dân xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) phấn khởi tham gia "Ngày hội thu hoạch" do Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông triển khai

Ông Đặng Ngọc Giáp ở thôn 1, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho biết, khi tham gia mô hình, người dân nhận thức rõ về vai trò của liên kết sản xuất, nhu cầu của người tiêu dùng để sản xuất có trách nhiệm hơn. Từ đó, người dân biết tuân thủ theo quy trình kỹ thuật và sản xuất theo kế hoạch hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Với 5 sào cải bắp, vụ này ông Giáp thu hoạch được 15 tấn, giá bán 5.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang về cho ông trên 100 triệu đồng.

Tương tự, ông Vũ Thanh Hoài ở thôn 7, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song được hỗ trợ trồng 5 sào cà rốt khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

cai-bap(1).jpg
Gia đình ông Đặng Ngọc Giáp ở thôn 1, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong chăm sóc vườn bắp cải VietGAP

Sau 3 tháng trồng, vườn cà rố cho thu hoạch 17,5 tấn củ, giá bán 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hoài thu về hơn 60 triệu đồng. Mức thu nhập này khá cao so với các loại rau, củ, quả khác.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Đào tạo – Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông, bước đầu mô hình lại nhiều kết quả thiết thực cho người sản xuất trên địa bàn.

Mô hình góp phần hình thành và phát triển vùng nguyên liệu rau an toàn tại Đắk Nông. Mô hình đã tạo ra chuỗi cung ứng rau an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để mô hình đạt kết quả cao, trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 4 lớp tập huấn cho 80 người. Trong đó, có 16 hộ ngoài mô hình.

Đồng thời, trung tâm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, gắn kết với các doanh nghiệp cung giống, phân bón, chế phẩm sinh học … Qua đó, bà con nông dân được cung ứng đồng bộ, bảo đảm các tiêu chuẩn đầu vào, hạ giá thành sản xuất.

z5857846001718_b34533321c484f6a80eb1681c10442e2(1).jpg
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Đắk Nông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trung bình 30% so với rau thông thường

Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trung bình 30% so với vườn đối chứng. Năng suất trung bình của cà rốt là 35,5 tấn/ha; cải bắp 35 tấn/ha. Mô hình đã cung ứng 710 tấn cà rốt/20ha; 420 tấn bắp cải/12ha cho doanh nghiệp thu mua.

Năm 2024, mặc dù giá cải bắp ngoài mô hình ở mức 2.000 - 4.000 đồng/kg, có thời điểm không có người mua. Thế nhưng, sản phẩm của mô hình vẫn được đơn vị liên kết thu mua với giá 5.000 đồng/kg theo hợp đồng. Từ kết quả mô hình, các xã đã nhân rộng được gần 10ha bắp cải VietGAP tại các nông hộ.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông cho biết: “Mô hình được xây dựng dựa vào lý thuyết chuỗi giá trị. Đó là liên kết giữa các bên nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản về chi phí, mẫu mã, an toàn thực phẩm”.

Văn Tâm