Giáo dục - Đào tạo

Thú vị tiết học giáo dục địa phương ở Đắk Nông

Nguyễn Hiền 26/09/2024 08:24

Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tích cực triển khai tích hợp giáo dục địa phương ở các cấp học, góp phần gắn kết giữa kiến thức và thực tiễn đời sống.

“Phiên chợ quê em” trong lớp học

Thay vì tổ chức một tiết học thông thường, cô giáo Lê Thị Hoài, Trường tiểu học Thăng Long, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đã biến tiết học "Hoạt động mua bán hàng hóa" trong sách giáo khoa Tự nhiên Xã hội lớp 2 thành một buổi trải nghiệm đầy sáng tạo với chủ đề "Phiên chợ quê em".

Tiết học được lồng ghép với nội dung giáo dục địa phương, mang đến cho học sinh lớp 2A3 một không khí vui tươi và sôi nổi. Các em háo hức tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trong phiên chợ do chính các em tái hiện. Cô Hoài khéo léo chia lớp thành ba quầy hàng, giúp học sinh khám phá và tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống và văn hóa địa phương qua những trải nghiệm thực tế.

4(1).jpg
Giáo viên giới thiệu các loại mặt hàng được bán, hướng dẫn học sinh đóng vai trải nghiệm người mua và người bán

Quầy đầu tiên bán trái cây và đồ ăn vặt, nơi các em được tiếp xúc với những món ăn dân dã như xôi, chè, bánh... Quầy thứ hai bày bán rau củ, bày bán các loại nông sản quen thuộc như mướp, bí, cà, bắp, các loại rau củ... Điểm thú vị của quầy thứ 2 là sự xuất hiện của những loại rau đặc trưng của vùng đất Đắk Nông như lá bép, đọt mây, cà đắng. Đây là những nguyên liệu quen thuộc trong các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số M’nông. Thông qua hoạt động này, học sinh không chỉ được tiếp cận với nền văn hóa ẩm thực độc đáo mà còn hiểu thêm về sự đa dạng của đặc sản địa phương.

3(2).jpg
Quầy hàng bày bán thổ cẩm được học sinh yêu thích

Quầy cuối cùng là bán quần áo, nơi bày biện các sản phẩm thổ cẩm tinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số như túi xách, khố, áo… Các mặt hàng thổ cẩm được trình bày đẹp mắt, nhiều màu sắc giúp học sinh nhận thức sâu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Đắk Nông. Học sinh Vi Bảo Gia, lớp 2A3 phấn khởi: “Em rất thích những tiết học như thế này. Không chỉ tạo không khí vui vẻ mà còn giúp em biết thêm rất nhiều điều”.

Trong suốt tiết học, học sinh được trao đổi, mua bán bằng tiền giấy do giáo viên cung cấp. Các em lần lượt nhập vai thành người bán hàng và khách hàng, tạo nên không khí vui nhộn và thú vị. Cô giáo Lê Thị Hoài chia sẻ: “Nhờ vào hoạt động này, các em không chỉ học được cách giao tiếp, tính toán mà còn trải nghiệm kỹ năng sống thực tế. Những tiếng cười giòn giã và sự hứng thú của học sinh đã làm cho tiết học trở thành một trải nghiệm khó quên, góp phần khơi dậy tình yêu đối với văn hóa và đời sống địa phương”

Giúp học sinh thêm trải nghiệm

Việc triển khai tích hợp giáo dục địa phương được ngành Giáo dục Đắk Nông triển khai đối với học sinh bậc THCS và THPT trong toàn tỉnh.

5.jpg
Giáo viên giới thiệu cho học sinh về một số nguyên liệu đặc trưng để làm món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như: lá bép, cà đắng...

Theo bà Vũ Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long việc lồng ghép giáo dục địa phương là hoạt động thường xuyên, được triển khai nhiều năm nay cho học sinh ở các khối lớp. Việc tích hợp này giúp học sinh hiểu, yêu và tự hào về lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề và phong tục tập quán của địa phương. Từ đó nâng cao kiến thức, hình thành ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và kỹ năng sống.

Bà Lê Thị Như Hương, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết: “Phòng chỉ đạo, hướng dẫn 100 trường học trên địa bàn thành phố thực hiện lồng ghép tài liệu giáo dục địa phương vào các môn học và hoạt động trải nghiệm ở các khối lớp, cấp học. Quá trình triển khai, các trường đã vận dụng linh hoạt, phù hợp với đơn vị. Các hoạt động lồng ghép giáo dục địa phương góp phần làm cho học sinh thích thú, hưởng ứng".

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị An, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, việc triển khai giáo dục tích hợp địa phương giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống, đặc điểm, đặc trưng của nơi mình sinh sống. Thông qua các bài học về văn học, lịch sử, địa lý học sinh không chỉ mở rộng kiến thức thực tế mà còn phát triển tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương. Giáo dục tích hợp địa phương còn góp phần rèn luyện kỹ năng sống thực tế, gắn kết lý thuyết với thực tiễn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

"Thông qua các tiết tích hợp giáo dục địa phương giúp học sinh hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường xung quanh, tạo tiền đề cho việc hình thành công dân có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai”, cô giáo An cho hay.

Tích hợp kiến thức và thực tiễn

Ông Lê Bá Cường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc đưa nội dung địa phương vào giảng dạy ở trường phổ thông dưới nhiều hình thức khác nhau là một cách rèn luyện cho học sinh kỹ năng tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề địa phương.

Các tiết học tích hợp giáo dục địa phương giúp khơi gợi cho học sinh sự hứng thú trong học tập, rèn luyện kỹ năng sống và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, giúp gắn kết lý thuyết với thực tiễn cuộc sống.

Ông Lê Bá Cường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông

Ở mỗi bậc học sẽ có những chương trình, nội dung tích hợp phù hợp. Các lớp ở bậc cao hơn thì nội dung và thời lượng giáo dục địa phương được tăng cường, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống và đặc trưng của địa phương.

Việc tích hợp có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như lồng ghép vào các môn học cụ thể, nhất là các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng sách giáo dục địa phương đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để tổ chức thành một tiết học thay thế cho tiết học của môn học nào có nội dung liên quan.

Học sinh đóng vai người bán và người mua để trải nghiệm hoạt động mua bán
Học sinh đóng vai người bán và người mua để trải nghiệm hoạt động mua bán

Để biên soạn sách giáo dục địa phương sát với thực tiễn, Sở GD-ĐT đã thành lập Ban biên soạn gồm những giáo viên giàu kinh nghiệm và các chuyên gia có kiến thức về địa phương. Nội dung sách được lựa chọn dựa trên đặc điểm thực tế và đặc trưng của tỉnh Đắk Nông. Điều này giúp học sinh nắm bắt sâu hơn về địa phương ở các lĩnh vực, nhất là các đặc trưng văn hóa truyền thống.

Sau khi hoàn thành, sách sẽ được Hội đồng thẩm định UBND tỉnh xem xét, chỉnh sửa, gửi Bộ GD-ĐT phê duyệt. Khi được phê duyệt, sách được triển khai đại trà cho các khối lớp. Hiện nay, ngành Giáo dục Đắk Nông đã triển khai cho tất cả các khối lớp. Riêng khối lớp 5 hiện nay đang được Bộ GD-ĐT kiểm định. Sau khi được phê duyệt ngành sẽ triển khai cho in ấn để thuận lợi cho học sinh dễ tiếp cận.

Nguyễn Hiền