Tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 21:32, 25/09/2024
Việc bồi dưỡng tiếng dân tộc Ê Đê cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk giúp nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng. |
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo 35 các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; đồng thời phục vụ tốt cho công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng...
Tại hội nghị, các đại biểu được truyền đạt các chuyên đề: Một số vấn đề cần lưu ý trong triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật trong theo dõi, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội...
Bồi dưỡng tiếng dân tộc Ê Đê cho cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk
Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thành phố Buôn Ma Thuột vừa tổ chức khai giảng hai lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Ê Đê cho 80 học viên là cán bộ, chiến sĩ công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời gian bồi dưỡng 3 tháng theo hình thức học tập trung, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ tiếng Ê Đê cũng như tìm hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Ê Đê tại tỉnh Đắk Lắk.
Qua đó, giúp các học viên hoàn thành tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Gia tăng tình trạng thiếu giáo viên ở Đắk Nông
Tình trạng thiếu giáo viên ở Đắk Nông ngày càng tăng đã gây áp lực cho ngành giáo dục tỉnh. Cụ thể, năm học 2021-2022, số lượng học sinh toàn tỉnh là hơn 175.000 em, đến năm 2023-2024 con số này tăng lên hơn 186.000.
Năm học 2024-2025, số học sinh tăng đạt đến 190.270 em, tăng thêm 3.837 học sinh. Sự gia tăng số lượng học sinh đặt ra những thách thức lớn cho ngành giáo dục Đắk Nông không chỉ về cơ sở vật chất mà tình trạng thiếu biên chế giáo viên càng nặng nề hơn.
Năm học 2023-2024, Đắk Nông thiếu 606 biên chế giáo viên ở các bậc học thì đến năm học 2024-2025, con số này đã tăng lên đến 1.545 biên chế. Các địa phương thiếu nhiều giáo viên là Đăk Glong, Tuy Đức, Krông Nô… Bậc học có số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất là tiểu học với 699 biên chế, tiếp đến là bậc mầm non với 306 biên chế; bậc THCS thiếu 293 biên chế và bậc THPT thiếu 247 biên chế giáo viên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, tình trạng thiếu giáo viên có xu hướng tăng dần ở các bậc học. Riêng các đơn vị trực thuộc Sở hiện cũng triển khai mọi giải pháp để bảo đảm dạy học tốt nhất có thể. Trong năm học 2024-2025, với nhu cầu tuyển sinh lớp 10 tăng, tỉnh Đắk Nông đã bổ sung 299 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại các huyện Tuy Đức, Đăk Glong và các vùng dân tộc thiểu số của huyện Đăk Mil.
Số lớp tăng dẫn đến số giáo viên thiếu càng tăng so với kế hoạch được phê duyệt trước đó. Trừ các chỉ tiêu về hợp đồng, biên chế hiện có thì các đơn vị trực thuộc Sở còn thiếu 119 giáo viên THPT để đáp ứng nhu cầu giảng dạy lớp 10.
Xuất khẩu sản phẩm thiên địch từ đà lạt
Công ty Dalat Hasfarm (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, công ty này đã xuất khẩu thành công sản phẩm thiên địch sang thị trường Malaysia và một số thị trường khác. Cụ thể, Dalat Hasfarm xuất khẩu nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi để nông dân nước bạn thử nghiệm canh tác an toàn.
Các loại nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi sẽ bắt các loại sinh vật gây hại như bọ trĩ, ruồi, sâu…, giúp canh tác không cần sử dụng tới các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, các sản phẩm thiên địch được Dalat Hasfarm đóng lon, vận chuyển tới nông dân nước bạn để thả trong vườn. Theo phản hồi ban đầu, các thiên địch bắt mồi hoạt động khá hiệu quả, nông dân đối tác chấp nhận sử dụng thiên địch. Lãnh đạo Công ty Dalat Hasfarm cho biết, công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất thiên địch, vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa phục vụ thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rừng cộng đồng tại Tây Nguyên
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp Viện Sinh thái học Miền Nam vừa tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rừng cộng đồng tại Tây Nguyên” với sự tham gia của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chủ rừng cộng đồng tại các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Các đại biểu thảo luận về tình hình giao, tổ chức và quản lý rừng cộng đồng tại các tỉnh; công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng trên địa bàn một số xã, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, vướng mắc trong công tác tổ chức, quản lý rừng cộng đồng.
Từ đó, kiến nghị các biện pháp khắc phục nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới hiện nay cho phát triển rừng bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên.