Kinh tế

Vì sao Quỹ phòng, chống thiên tai Đắk Nông chỉ đạt 29%?

Trần Thị Thoan 25/09/2024 09:48

Đắk Nông gặp nhiều trở ngại trong thu quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) nên khó khăn trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Năm 2023, thiên tai đã làm 2 người thiệt mạng; 378 căn nhà, vật kiến trúc bị sập, tốc mái, ngập lụt. Trong đó, 138 nhà phải di dời do ngập lụt, sạt lở đất; trên 1.100ha cây trồng các loại bị ngập úng; trên 1.000 con gia súc, gia cầm bị chết và nhiều công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng...

Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị thiệt hại do khô hạn, giông lốc gây ra tại Đắk Nông vào khoảng 331 tỷ đồng.

Thiệt hại, ảnh hưởng lớn thì cần có nguồn lực lớn để hỗ trợ khôi phục, nhất là đối với nguồn lực tại chỗ từ quỹ Phòng chống thiên tai (PCTT).

Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc thu quỹ này của Đắk Nông không đạt kế hoạch, khiến cho nguồn lực PCTT gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kỳ vọng.

dsc_0391.jpg
Sạt lở đất loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn về hạ tầng tại Đắk Nông

Trong năm 2023, quỹ PCTT chỉ thu được trên 3,3 tỷ đồng, chỉ đạt 29% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, chủ yếu thu từ các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố đạt cao. Còn nguồn thu từ các tổ chức kinh tế chỉ đạt 16% kế hoạch.

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Quỹ PCTT Đắk Nông, một trong những khó khăn lớn nhất là việc quy định mức đóng góp từ các tổ chức kinh tế.

Theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, mức đóng góp bắt buộc là 0,02% trên tổng giá trị tài sản nhưng nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định này. Doanh nghiệp xem việc nộp quỹ như một sự ủng hộ tự nguyện, dẫn đến việc chậm trễ trong nghĩa vụ tài chính đối với quỹ PCTT.

Hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh quy mô nhỏ, siêu nhỏ, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đóng góp của doanh nghiệp.

Sự biến động về nhân sự trong các doanh nghiệp cũng tạo ra khó khăn trong việc xác định số liệu chính xác cho việc thu quỹ.

Nhân sự Quỹ PCTT hoạt động chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm, với số lượng biên chế ít ỏi. Điều này khiến cho việc tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả công việc.

dsc_0610.jpg
Nhiều công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông, suối đã được thực hiện tại Đắk Nông để phòng, chống thiên tai

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác thu quỹ, nhưng các khoản chi cho phòng ngừa và ứng phó thiên tai vẫn được Đắk Nông thực hiện đúng quy định.

Tổng chi trong phòng, chống thiên tai năm 2023 đạt trên 3,9 tỷ đồng, sử dụng cho nhiều hoạt động thiết thực như: xây dựng phần mềm thống kê thiệt hại, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin dự báo thiên tai...

Sự chênh lệch giữa thu và chi quỹ cho thấy một thực trạng đáng lo ngại. Mặc dù đã chi ra nhiều nguồn lực cho công tác PCTT, nhưng việc huy động đóng góp này lại chưa thực sự hiệu quả.

z5825538527629_a62d0edfd3a11c9842d65bee55eea80c-f2b312a7600ff255dda406d0487a959a(1).jpg
Quỹ PCTT phục vụ trở lại việc khắc phục hậu quả thiên tai từ thôn, xóm, xã, phường

Để cải thiện tình hình thu quỹ PCTT trong những năm tới, cần thiết phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật về quỹ PCTT.

Các cơ quan truyền thông địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nghĩa vụ của mình.

UBND các huyện cần chỉ đạo các quỹ PCTT địa phương chủ động hơn trong việc đôn đốc thu quỹ; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghĩa vụ đóng góp có thể tạo áp lực tích cực để các doanh nghiệp tuân thủ.

Việc sửa đổi một số điều trong Nghị định số 78/2021/NĐ-CP là rất cần thiết. Cụ thể, cần quy định rõ về mô hình tổ chức và mức chi cho quỹ PCTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Trần Thị Thoan