Chính trị

Hướng đi mới trong quản lý, bảo vệ rừng

Hoàng Hoài 25/09/2024 09:38

Công tác thu hồi, giữ đất rừng và trồng lại rừng dọc quốc lộ (QL) 28 và QL14 đã đạt được nhiều kết quả. Kết quả này đã mở ra hướng mới trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và trồng lại rừng ở nhiều địa bàn khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Kiên trì bảo vệ bằng được rừng

Công tác QLBV rừng thông dọc QL14, QL28 nói riêng, các loại rừng nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc tìm hướng đi mới để nâng cao hiệu quả công tác QLBV là vấn đề được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm.

Mỗi ngày ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông luôn dành thời gian dạo quanh rừng thông dọc Quốc lộ 28 đi qua địa bàn thôn để xem tình hình cây trồng mới phát triển như thế nào
Rừng thông dọc quốc lộ 28 đoạn qua địa bàn thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông đang dần được phục hồi, trả lại cây cho rừng

Đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho biết, đối với diện tích đất và rừng trên địa bàn (bao gồm các diện tích thu hồi), Huyện ủy tiếp tục giao trách nhiệm đến đảng ủy các xã, chi bộ trực thuộc, các đơn vị liên quan. Trong đó, đồng chí bí thư các tổ chức cơ sở đảng là người chịu trách nhiệm cao nhất. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm.

dsc07546.jpg
Nhiều cây thông nhỏ trồng xen kẽ trong những cây thông già đã giúp cho người dân ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong tin tưởng hơn vào việc hồi sinh của rừng

Bên cạnh đó, các phòng, ban, UBND cấp xã, các đơn vị chủ rừng chủ động bố trí nguồn lực, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và hoàn thành chỉ tiêu phát triển rừng được giao. Đơn vị chủ rừng phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, nhất là các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong Nguyễn Thị Quế thông tin xã tăng cường bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra các vị trí rừng thông; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Địa phương tiến hành phát, đốt dọn thực bì, làm đường băng cản lửa để ngăn chặn cháy rừng. Công tác tuyên truyền cho các hộ dân có rẫy giáp ranh với diện tích rừng trồng thông về QLBV, phòng cháy, chữa cháy rừng trồng thông, ký bản cam kết các hộ dân tiếp tục được chú trọng.

Ông Phạm Quang Quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đắk Ha cho rằng, để QLBV rừng hiệu quả, việc cần làm đầu tiên là vận động các hộ dân sống, lao động ở các vùng giáp ranh, hộ nhận khoán cùng chung tay bảo vệ rừng. “Mình là người hưởng lợi từ rừng thì mình cần có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn. Đây là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của mỗi người”, ông Quyết cho hay.

dsc08112.jpg
Ông Nguyễn Minh Đọc, Bí thư Chi bộ bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông cho rằng, để quản lý, bảo vệ được rừng thông cảnh quan Quốc lộ 14 thì mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên đi đầu, tiên phong trong bảo vệ rừng

Tại huyện Đắk Song, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, các văn bản chỉ đạo về công tác QLBV và phát triển rừng nói chung, rừng cảnh quan QL14 nói riêng. Cấp ủy đảng, chính quyền các xã, nhất là Trường Xuân, Nâm N’Jang cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại đối với rừng phòng hộ cảnh quan QL14.

“Chúng tôi tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm và các hành vi hủy hoại rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật”, Bí thư Huyện ủy Đắk Song K' Thanh cho hay.

nj7.jpg
Ông Lâm Văn Long, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Đắk Lép, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông cho biết, Chi bộ đưa nhiệm vụ QLBV rừng vào nghị quyết để triển khai thực hiện. Từ đó, Ban tự quản lồng ghép tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc QLBV, phát triển rừng là việc cần làm, phải làm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi gia đình và mỗi người

Công tác kiểm tra, giám sát các hộ gia đình nhận đất, nhận rừng theo các nội dung cam kết; xử lý nghiêm các hộ nhận không thực hiện tốt, vi phạm cam kết tiếp tục chú trọng. Đồng chí Trần Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song cho rằng, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, giám sát và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện những sự vụ tái lấn, chiếm, dựng lều, dựng quán để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý ngay, tránh tình trạng nhà tạm thành nhà cứng. “Xử lý phải quyết liệt, không để kéo dài và phải nghiêm minh để răn đe, làm gương cho người khác. Do đó, ngoài lực lượng chức năng rất cần sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, Nhân dân”, đồng chí Thủy nêu quan điểm.

Kiên quyết xử lý nghiêm để giữ rừng

Theo đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp mạnh gắn với trách nhiệm khoán cho các lực lượng như dân quân tự vệ, nhóm, hộ đồng thời xác định giá trị của vườn cây thông. “Chúng ta cần xác định giá trị của một cây thông là bao nhiêu; mất một cây thông phải đền gấp bao nhiêu lần để gắn trách nhiệm với các trường hợp nhận khoán. Những trường hợp nhận khoán cần coi cây rừng cũng là cây của mình, cộng đồng trách nhiệm trong chăm sóc, bảo vệ”, đồng chí Lê Trọng Yên đề nghị.

Rừng thông chủ yếu nằm hai bên QL 14 và 28, phạm vi rừng hẹp, giáp đất sản xuất, do đó phải xác định ranh giới rõ ràng, nếu cố tình lấn, chiếm, vi phạm thì xử lý kịp thời để răn đe, giáo dục. Các cấp, ngành cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm các vụ án phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để làm điểm.

Trên thực tế, để nâng cao hiệu quả công tác QLBV rừng, tỉnh đã tăng cường thành lập hạt kiểm lâm liên huyện, từ đó giảm đối tượng gián tiếp, tăng đối tượng trực tiếp, tập trung cho điểm nóng. Ông Lê Trọng Yên cho rằng, quan điểm của tỉnh là chọn người yêu nghề, nhiệt huyết với nghề và giữ rừng thì phải yêu rừng. Những trường hợp xin nghỉ một phần là họ chưa thực sự yêu rừng, yêu công việc, nên cần tuyển số lượng bảo đảm với chất lượng, có thể ưu tiên bộ đội xuất ngũ.

nj11.jpg
Màu xanh của tuyến quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn huyện Đắk Song đã dần được hồi sinh

Đối với bài toán nhân lực cho ngành Kiểm lâm thì cần sửa đổi một số chính sách để lực lượng này được hưởng lợi đặc thù như một số ngành khác. Khi cuộc sống bảo đảm, lực lượng này mới toàn tâm, toàn ý gắn bó với công tác QLBV rừng. Hơn nữa, kiểm lâm cũng là nghề nguy hiểm, làm việc 24/24 giờ nên cần có chính sách hỗ trợ tương xứng. Đối với các xã có trên 500ha rừng nên thành lập ban lâm nghiệp để phối hợp tuần tra, kiểm soát nhằm quản lý chặt chẽ diện tích rừng thông dọc QL28 và QL14 nói riêng, rừng các loại nói chung.

qs4.jpg
Thu hồi thì phải trồng lại ngay, trồng được thì phải bảo vệ được, phải để cây phát triển thành rừng là quan điểm của tỉnh Đắk Nông trong QLBV rừng

Đồng quan điểm này, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, phải quyết liệt hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục. Các cấp, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp không để tiếp diễn câu chuyện trồng - phá, phá - trồng.

“Dọc QL14, QL28 đã quy hoạch rừng thì không làm gì khác ngoài rừng. Cái gì của rừng phải trả cho rừng, phải trồng lại rừng. Trồng được thì phải bảo vệ được. Muốn bảo vệ được thì phải có nhiều giải pháp từ tuyên truyền vận động, xử lý nghiêm, quyết tâm truy đến cùng, xử lý đến cùng cái gốc của các sai phạm. Nếu vụ việc đủ khởi tố hình sự thì cần làm ngay để răn đe, giáo dục, nhưng phải cẩn trọng, chặt chẽ, tránh oan sai. Các lực lượng chức năng đồng lòng, đồng tâm, đồng sức cùng vào cuộc để thực hiện. Nếu một lực lượng nào đó không vào cuộc, không quyết tâm, quyết liệt, không có trách nhiệm thì công tác QLBV rừng của 2 QL này sẽ còn tình trạng tái lấn, chiếm như bấy lâu nay”, đồng chí Trung nhấn mạnh.

Đồng chí Lưu Văn Trung cho rằng, QLBV rừng thông dọc các QL nói riêng, các loại rừng nói chung không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên tại cơ sở cần có trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về QLBV rừng.

“Cán bộ, đảng viên thì trách nhiệm phải cao hơn, phải đi đầu trong tuyên truyền vận động Nhân dân, nhất là người thân trong gia đình không được phá rừng, tích cực trách nhiệm trong QLBV rừng. Nếu cán bộ, đảng viên hoặc người thân của cán bộ, đảng viên vi phạm thì cương quyết xử lý nghiêm theo quy định để giáo dục, răn đe”, đồng chí Trung yêu cầu.

Hoàng Hoài