Đời sống

Nghĩa tình chị em ở xã vùng xa Đắk Nông

Nguyễn Nam 25/09/2024 09:40

Việc kết nghĩa chi hội phụ nữ giữa các thôn người Kinh với các bon đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là cách làm hay, sáng tạo của Hội LHPN xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song (Đắk Nông).

Gắn bó để chia sẻ

Hơn 3 năm nay, ngoài thu nhập từ mấy sào cà phê, chị Lường Thị Thụy, dân tộc Tày ở bon Bu Rwah, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song còn có thêm thu nhập từ việc nuôi dê. Trước kia, chị Thụy chưa hề nghĩ đến việc chăn nuôi dê khi không có vốn để đầu tư, cũng không biết kỹ thuật chăm sóc. Năm 2021, nhờ chị em từ Chi hội Phụ nữ thôn Đắk Kual 2 tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê, chị Thụy đã mạnh dạn vay vốn để làm chuồng trại và mua con giống.

“Bên thôn Đắk Kual 2 kết nghĩa với bon em. Các chị cũng thường xuyên qua để trao đổi với kinh nghiệm của các chị có như nuôi con gì, trồng cây gì tốt… Nhờ những buổi chia sẻ và hướng dẫn của các chị, em đã học hỏi được nhiều điều bổ ích và làm theo. Em áp dụng những kiến thức đó vào chăn nuôi và trồng trọt. Giờ đây, gia đình em đã nuôi được đàn dê và có thêm thu nhập từ việc bán dê. Số tiền kiếm được, em dành dụm để đóng học phí cho các con và trang trải cuộc sống. Ngoài ra, em còn áp dụng kỹ thuật mới vào việc chăm sóc cây trồng theo hướng dẫn của các chị và thấy hiệu quả rõ rệt”, chị Thụy chia sẻ.

1.jpg
Chị em thôn Đắk Kual 2 giúp chị em DTTS bon Bu Rwah, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả

Ngoài gia đình chị Lường Thị Thụy, còn có hơn 10 chị em khác của bon Bu Rwah được chị em Chi hội Phụ nữ thôn Đắk Kual 2 tận tình hướng dẫn kỹ thuậtchăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, mô hình chăn nuôi của các chị đều phát triển tốt, giúp chị em vươn lên thoát nghèo. Đây là một trong những hoạt động của mô hình kết nghĩa giữa phụ nữ thôn người Kinh với bon đồng bào DTTS do Hội LHPN xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song thực hiện.

Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, từ nhiều năm nay, đều đặn vào mỗi ngày chủ nhật, phụ nữ thôn Đắk R’mo lại đến từng nhà hội viên phụ nữ bon N'Jang Lu để trực tiếp hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn chị em người DTTS sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, phục vụ nhu cầu thiết yếu…

3(1).jpg
Phụ nữ thôn Đắk R’mo hướng dẫn chị em M’nông bon bon N’Jang Lu, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song sử dụng các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động cho công việc và đời sống hằng ngày

Chị Phạm Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đắk R’mo cho biết: “Chúng tôi nhận thấy chị em ở bon mình còn thiếu nhiều kinh nghiệm so với chị em người Kinh. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi họp để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ đó, chị em đã học hỏi được nhiều điều hay, cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Khi đến thăm các mô hình vườn, nhà cửa của nhiều chị em bon N'Jang Lu, chúng tôi rất vui mừng khi thấy cuộc sống của mọi người đã khấm khá hơn rất nhiều. Nhà cửa khang trang, sạch sẽ hơn và chị em cũng tích cực tham gia các hoạt động của chi hội”.

Cùng nhau xây dựng đời sống mới

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, mô hình kết nghĩa giữa phụ nữ thôn người Kinh với bon đồng bào DTTS ở xã Đắk N’Drung đã mang đến luồng gió mới, làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của chị em người DTTS. Nếu như trước đây, các chị em DTTS rất ngại tiếp xúc, trò chuyện và ít tham gia các hoạt động của hội thì bây giờ đã khác. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của các chi hội người Kinh, các đội văn nghệ, thể dục thể thao, các CLB cồng chiêng được thành lập, giúp chị em DTTS có môi trường để giao lưu và làm giàu đời sống tinh thần.

Bà Thị Nhum, bon N’Jang Lu, xã Đắk N’Drung chia sẻ: “Trước đây, vì thiếu hiểu biết về văn hóa xã hội nên nhiều chị em trong bon rất bỡ ngỡ. Nhưng nhờ có sự quan tâm của Hội Phụ nữ xã và các chị trong thôn Đắk R’mo, chị em trong bon đã được tham gia nhiều hoạt động và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Đặc biệt, các buổi tuyên truyền về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và câu lạc bộ cồng chiêng đã giúp chị em M’nông hiểu rõ hơn về các giá trị quý báu của văn hóa dân tộc. Từ đó, chị em tự hào và tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

2(1).jpg
Mô hình kết nghĩa giúp chị em đoàn kết, gắn bó với nhau hơn

Các bon làng DTTS ở xã Đắk N’Drung ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của chị em DTTS được nâng cao. Đặc biệt, qua mô hình này cũng đã thu hút đông đảo chị em người DTTS tham gia vào tổ chức hội.

Theo bà Vũ Thị Thịnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk N’Drung, xã có 6 thôn người Kinh và 4 bon đồng bào DTTS. Qua các hoạt động hội, Hội LHPN xã nhận thấy giữa chi hội các thôn người Kinh với chi hội các bon đồng bào DTTS có sự chênh lệch lớn về nhiều mặt. Đặc biệt là chênh lệch về các kiến thức phát triển kinh tế, các kiến thức xã hội cũng như kỹ năng chăm sóc gia đình, con cái. Vì vậy, Hội LHPN xã đã xây dựng hoạt động kết nghĩa giữa chi hội người Kinh với chi hội người DTTS nhằm tạo sự đoàn kết để hỗ trợ các chị em về tinh thần và vật chất.

Qua hoạt động kết nghĩa như vậy, chị em các thôn bon hòa nhập được với nhau, tự tin hơn, vui vẻ, đoàn kết, gắn bó với nhau hơn và mang lại hiệu quả cao. Vào ngày lễ tết, tổ chức văn hóa văn nghệ giao lưu giữa các thôn, bon. Từ đấy cũng thu hút được nhiều chị em vào sinh hoạt hội. Đến nay, Hội LHPN xã đã phát triển được hơn 1.400 hội viên.

pn điện tử
ĐH: NN

Mô hình kết nghĩa giữa phụ nữ thôn người Kinh với bon đồng bào DTTS ở xã Đắk N’Drung không rập khuôn máy móc mà tùy vào điều kiện cụ thể của từng thôn, bon để triển khai thực hiện cho phù hợp, đa dạng các hình thức giúp nhau. Với mô hình này, chị em đã góp một phần không nhỏ vào sự ổn định và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn xã. Đồng thời, xây dựng được tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp chị em DTTS yên tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bon làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Nam