Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 15:07, 24/09/2024

Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk với nông dân là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nông dân, từ đó kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và ban hành những chủ trương, giải pháp phù hợp thực tiễn sản xuất và đời sống của nông dân, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp tỉnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu.

Ngày 24/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với nông dân năm 2024 với chủ đề: Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Ya Toan Ênuôl chủ trì hội nghị và trực tiếp đối thoại với 300 hội viên, nông dân, đại diện cho hơn 194.000 hội viên nông dân trong tỉnh. Tham gia đối thoại còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 1

Các đại biểu dự hội nghị đối thoại.

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Ya Toan Ênuôl cho biết, là tỉnh miền núi nên lĩnh vực nông nghiệp đối với tỉnh Đắk Lắk có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Hiện nay, nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh đang dần phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang chuyển dịch theo hướng quy mô, tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với một số cơ sở chế biến.

Một số khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Triển khai các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các đề án về phát triển kinh tế tập thể; thu hút đầu tư... đã đạt được những kết quả nhất định. Những sản phẩm đặc trưng đã được nhận diện và phát huy hiệu quả gắn với “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Nông dân đã chủ động trong việc liên kết để tăng nguồn lực đầu tư, sản xuất và bán theo đơn hàng thông qua các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Số hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng... Đây chính là lực lượng tiên phong, nhân tố tích cực trong chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm nòng cốt cho hình thành đội ngũ nhà nông thế hệ mới.

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 2

Tỉnh Đắk Lắk có điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao.

Tuy vậy, nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển chưa ổn định và bền vững, chất lượng và sức cạnh tranh thấp. Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và chế biến nông sản chưa nhiều, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất quy mô tập trung. Sản phẩm sản xuất có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chưa trở thành phổ biến. Nông nghiệp công nghệ cao do nông dân trực tiếp đầu tư, làm chủ còn ít. Kinh tế tập thể mặc dù được quan tâm phát triển nhưng hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lao động nông thôn, trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Đời sống của một bộ phận người nông dân còn khó khăn, nhất là khi gặp biến động của thị trường, bất lợi của thời tiết. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông thôn mà trực tiếp là người nông dân.

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Ánh Xuân, hội viên nông dân xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin nêu câu hỏi tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, các cán bộ, hội viên nông dân, đại diện các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đã đặt ra 44 câu hỏi gửi tới lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xoay quanh 5 nhóm vấn đề mang tính trọng tâm, trọng điểm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó có 12 câu hỏi được trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại, các câu hỏi còn lại được các sở, ngành nghiên cứu trả lời bằng văn bản.

Cụ thể, những vấn đề được hội viên nông dân quan đặt câu hỏi nhiều như: Khó khăn trong việc tiếp cận quy hoạch vùng sản xuất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất mở rộng sản xuất kinh doanh. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể, dịch vụ, du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp, làng nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chính sách hỗ trợ sinh kế, nguồn lực để nông dân phát triển sản xuất; chính sách bảo hiểm xã hội, y tế; bảo hiểm nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; khoa học công nghệ,... trong sản xuất kinh doanh.

Những định hướng, cơ chế, chính sách để xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững; hướng dẫn hỗ trợ nông dân phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn…

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 4

Ông Y Ngắc Niê, hội viên nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pắc nêu câu hỏi.

Ông Y Ngắc Niê, hội viên nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pắc nêu câu hỏi: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với sản phẩm nông sản theo thời vụ. Vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp gì tháo gỡ khó khăn cho nông dân?

Bà Nguyễn Thị Ánh Xuân, hội viên nông dân xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, nêu câu hỏi được nhiều hội viên nông dân quan tâm hiện nay: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhưng đây cũng là áp lực lớn của người nông dân. Từ thực tế đó, Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách gì để hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 5

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn trả lời và giải đáp các câu hỏi của hội viên nông dân.

Đến với buổi đối thoại, ông Vũ Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tân Hòa, huyện Buôn Đôn thẳng thắn nêu câu hỏi: Hiện nay, Nhà nước khuyến khích hộ dân dân phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ tốn công sức, thời gian, chi phí hơn rất nhiều nhưng khi đưa ra thị trường thì khó cạnh tranh được với sản phẩm nông nghiệp truyền thống, thậm chí thấp hơn. Vậy, tỉnh có định hướng gì trong việc hỗ trợ hoặc tìm đầu tư cho nông sản sạch, nông sản hữu cơ, bảo đảm xứng đáng với công sức đầu tư của người nông dân?

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn và lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời thẳng thắn, đầy đủ các câu hỏi của hội viên nông dân, nhất là các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; vấn đề liên kết sản xuất; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; việc giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai; vấn đề bảo hiểm nông nghiệp…

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 6

Các hội viên nông dân tham dự buổi đối thoại.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho rằng, hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nông dân, từ đó kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và ban hành những chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống của nông dân, phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà tương xứng với tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu. Thông qua đối thoại, giúp nông dân kịp thời nắm bắt, cập nhật được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế của tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó chủ động tiếp cận, vận dụng cơ chế, chính sách vào sản xuất, chủ động chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao quan tâm giải quyết những vấn đề được hội viên nông dân nêu ra tại buổi đối thoại. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân đổi mới tư duy, nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững và nâng cao đời sống về mọi mặt cho nông dân.

Đắk Lắk đối thoại, giải quyết những vấn đề bức thiết của nông dân ảnh 7

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tại hội nghị đối thoại.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung đánh giá cao việc Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân. Thông qua hội nghị, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề bức thiết của hội viên nông dân, trên cơ sở đó đề nghị các cấp, các ngành tập trung giải quyết các vấn đề bức thiết, đồng thời đề ra các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ông Y Ngắc Niê, hội viên Hội Nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pắc và ông Phạm Văn Trung, hội viên nông dân xã Ea Păl, huyện Ea Kar cũng như các hội viên nông dân tham gia buổi đối thoại cho biết: Qua những giải đáp của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành tại hội nghị đối thoại, cả về những vấn đề trước mắt và định hướng lâu dài của tỉnh, giúp hội viên nông dân chúng tôi thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức sản xuất, làm giàu trên vùng đất quê hương, xây dựng đời sống ở nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, nhằm phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

CÔNG LÝ