Chính trị

Giữ đất rừng đi đôi với trồng lại rừng

Hoàng Hoài 24/09/2024 10:29

Thu hồi đã khó, giữ và từng bước phục hồi diện tích đất rừng dọc quốc lộ (QL) 14 và QL28 bị lấn chiếm càng khó hơn, cần thời gian và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Bí thư nặng lòng với rừng

Nhiều năm sinh sống ở thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8 luôn trân trọng những giá trị của rừng thông cảnh quan dọc QL 28 qua địa bàn đối với thôn. Mỗi sáng thức dậy được nghe tiếng thông reo, hít hà mùi thơm của nhựa cây, ông càng thấy việc lựa chọn gắn bó lâu dài với mảnh đất này là quyết định đúng đắn. Hàng ngày, dù bận gì đi nữa ông đều dành thời gian dạo vài vòng tận hưởng sự yên bình, mát mẻ do rừng thông đưa lại.

“Tôi luôn nói với gia đình, bà con, nhờ có rừng thông này mà thôn của mình thanh bình hơn, đáng sống hơn. Khi cuộc sống bộn bề chuyện lo toan, dành một chút thời gian dạo ngắm rừng thông sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Do đó, mỗi người phải giữ cây rừng như chính cây trồng của gia đình mình”, ông Giang tâm sự.

dsc07478.jpg
Trong câu chuyện hàng ngày của ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong với gia đình, bà con lối xóm không thể thiếu chủ đề rừng thông

Yên bình, lý tưởng là vậy nhưng những năm 2018 - 2020, rừng thông dọc QL28 nói chung, đoạn qua địa phận thôn 8 nói riêng bị triệt hạ không thương tiếc. Màu xanh của rừng thông biến thành đất trống, cây cháy đen. “Trồng cây thì dễ nhưng để thành rừng mới khó, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, rừng thông chỉ còn lại trong ký ức. Buồn lắm, đau lắm…”, ông Giang đau xót.

dsc07512.jpg
Mỗi ngày ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong luôn dành thời gian dạo quanh rừng thông dọc QL28 đi qua địa bàn thôn để xem tình hình cây trồng mới phát triển như thế nào

Sau khi địa phương vào cuộc thu hồi đất rừng, ông Giang không nề hà khó khăn, phối hợp tuyên truyền, vận động bà con tự nguyện trả đất cho rừng. Quá trình vận động dù mất nhiều thời gian, có lúc tiềm ẩn nguy hiểm nhưng không thể nào ngăn cản được niềm tin hồi sinh rừng cây trong ông.

Khi diện tích rừng thông được thu hồi, xã trồng lại rừng, ông Giang lại nhiệt tình vận động bà con chung tay trồng rừng. Ông Giang cho biết: “Lúc tham gia trồng thông, tôi lại nói với bà con, giờ nhỏ vậy thôi nhưng vài năm nữa phát triển thành rừng, trả lại cảnh quan xanh tươi, vẻ đẹp vốn có cho tuyến QL28. Do đó, trồng thì phải bảo vệ, một người làm thì khó, nhưng cả thôn cùng đồng lòng ắt làm được”.

Khi những mầm xanh được vun trồng, hàng ngày, ông Giang đều ra kiểm tra cây phát triển. Mùa khô, ông đến từng hộ gia đình kêu gọi bà con chung tay chăm, bảo vệ rừng, không để rừng thông thành rừng trọc, đất trắng.

Thôn 8 hiện có 12ha đất rừng thông. Hàng tháng, Chi bộ thôn đều đưa vấn đề quản lý bảo vệ (QLBV) rừng vào nghị quyết, xem đây là nhiệm vụ quan trọng cần làm. “Chi bộ hiện có 21 đảng viên đã thống nhất phân công 4 đảng viên phụ trách một cụm dân cư. Các đảng viên thường xuyên phối hợp với chi hội trưởng, phó, tổ bảo vệ an ninh trật tự tuyên truyền, vận động bà con QLBV rừng. Chúng tôi xác định rõ, rừng giữ được hay không chủ yếu là dựa vào dân, trong đó cán bộ, đảng viên phải đi trước, làm gương. Bởi khi lòng dân không thuận, không góp sức thì khó mà giữ được rừng”, ông Giang cho hay.

dsc07385.jpg
Qua tuyên truyền vận động, trong đó có vai trò của ông Trần Văn Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, ông Hoàng Văn Bắc từ người phải trả đất cho rừng, đến nay, ông Bắc đã trở thành một trong những “tai”, “mắt” trong QLBV, phòng cháy, chữa cháy rừng của thôn, xã

Năm 2014, ông Hoàng Văn Bắc mua đất tại thôn 8, xã Đắk Ha để sản xuất nông nghiệp. Sau này, qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền xã, thôn, trong đó có tiếng nói của ông Giang, ông Bắc mới biết đất của gia đình mua thuộc đất rừng thông. “Bao nhiêu vốn liếng dồn hết để mua đất nhưng không thể ngờ, đất này là đất rừng. Tiền mất, đất không còn, có lúc buồn bực, muốn buông bỏ tất cả, nhưng được sự động viên của cấp ủy, chính quyền xã, thôn dần dần, gia đình hiểu vấn đề và tự nguyện trao trả đất”, ông Bắc cho hay.

Quá trình di dời tài sản, ông Bắc được chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ. Ông Bắc được thôn ưu tiên đề xuất hưởng lợi từ các chương trình, chính sách để có điều kiện phát triển kinh tế.

Điều đáng trân trọng, từ người phải trả đất cho rừng, ông Bắc trở thành một trong những “tai”, “mắt” trong QLBV, phòng cháy, chữa cháy rừng của thôn, xã. “Rừng quan trọng đối với cuộc sống mỗi người. Do đó, khi phát hiện điều gì bất thường, tôi đều báo ngay cho thôn, xã. Đối với những đám cháy nhỏ, gia đình kéo ống nước tưới để dập tắt, không để lây lan diện rộng”, ông Bắc thông tin.

Quyết tâm giữ đất thu hồi và trồng mới

Với quyết tâm cao và nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, diện tích rừng thông bị lấn, chiếm dọc QL14 và QL28 dần được thu hồi. Các địa phương xây dựng kịch bản để giữ đất, trồng lại rừng.

Huyện Đắk Glong đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã Quảng Sơn, Đắk Ha rà soát, khoanh nuôi rừng, trồng bổ sung thông. Trong đó, bí thư đứng đầu các tổ chức cơ sở đảng chịu trách nhiệm chính nếu để rừng bị tái lấn, chiếm. “Chúng tôi kiên quyết xử lý, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn, chiếm. Huyện giao chủ rừng trồng lại, phục hồi rừng theo quy định. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong QLBV rừng, làm gương cho Nhân dân noi theo”, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Vũ Tiến Lư thông tin.

qs5.jpg
Tài sản hình thành trên đất lấn, chiếm đất rừng đều bị cơ quan chức năng huyện Đắk Glong phá bỏ để giữ đất cho rừng

Huyện ủy Đắk Song tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp thiếu trách nhiệm để rừng thông bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép.

Năm 2022, huyện đã kiểm tra 32 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong QLBV theo các kết luận của Thanh tra tỉnh. Trong đó, huyện thi hành kỷ luật Đảng đối với 9 đảng viên (2 khiển trách, 2 cảnh cáo, 5 khai trừ khỏi Đảng).

Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song Trần Văn Thủy cho biết: “Hộ gia đình nào có hành vi dựng lều, quán trên diện tích rừng cảnh quan dọc QL14, chúng tôi cương quyết xử lý ngay từ đầu, không để kéo dài. Nhờ đó, 2 năm nay, công tác QLBV rừng thông cảnh quan của xã cơ bản ổn định”.

Đ.c Trung

Để tránh tình trạng tái lấn, chiếm đất rừng thông dọc QL14, QL28, Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu các địa phương tiến hành ngay việc trồng rừng thay thế, bổ sung và tăng cường QLBV rừng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung nhấn mạnh: “Chủ trương của tỉnh là xử lý, kiên quyết thu hồi, trồng mới lại rừng, không để người dân hình thành tài sản trên đất rừng do phá, lấn, chiếm. Khi thu hồi đất lấn, chiếm, phá rừng tỉnh yêu cầu phải tiến hành trồng mới ngay vừa để giữ đất vừa trả lại cây cho rừng”.

dsc08121.jpg
Rừng thông cảnh quan QL14, đoạn qua địa bàn bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song được trồng ngay sau khi thu hồi cách đây vài năm đã phát triển xanh tốt

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, từ năm 2020 đến nay, huyện Đắk Song đã thực hiện trồng 29.494 cây thông trên diện tích rừng phòng hộ cảnh quan QL14.

Toàn xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 174,84ha diện tích đất rừng phòng hộ cảnh quan QL14. Theo Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân Trần Văn Tín, xã giao trách nhiệm cho các thôn, bon, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong trồng, chăm sóc, bảo vệ để cây thông phát triển tốt, tránh tình trạng trồng - nhổ, nhổ - trồng.

Còn theo Bí thư Chi bộ bon Păng Sim, xã Trường Xuân Nguyễn Minh Đọc, Chi bộ đưa nhiệm vụ QLBV rừng cảnh quan QL14 và các loại rừng khác vào nghị quyết hàng tháng. Trong đó, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên về QLBV. Bon thành lập tổ trông coi rừng nhằm cộng đồng trách nhiệm, kịp thời hỗ trợ xử lý khi xảy ra cháy, phá rừng... Nhờ đó, vài năm trở lại đây, rừng thông dọc QL14 trên địa bàn bon không còn tình trạng chặt phá, lấn, chiếm.

Tương tự, theo Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang Trần Văn Thủy, việc trồng rừng thay thế, bổ sung, nhất là thông dọc QL14 được xã thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, người dân mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Đắk Song đến với du khách”.

Ngay sau khi thu hồi, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông đã tiến hành trồng mới ngay để tránh tình trạng tái, lấn chiếm đất rừng
Ngay sau khi thu hồi, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong đã tiến hành trồng mới ngay để tránh tình trạng tái, lấn chiếm đất rừng

Sau giải tỏa, thu hồi đất rừng thông dọc QL28, huyện Đắk Glong bàn giao cho xã Quảng Sơn trồng mới được 16,77ha rừng chủ yếu là thông ba lá, thông Caribe.

Xã Đắk Ha đã thực hiện thu hồi và trồng thông, sao đen khắc phục hậu quả 39.848,73m². Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ha Nguyễn Thị Quế cho hay: “Việc trồng thay thế, bổ sung thông trên các diện tích thu hồi được xã triển khai quyết liệt. Xã giao trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân trong QLBV, chăm sóc để cây phát triển. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà xã huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc”.

Công tác trồng rừng thay thế luôn được xã Nâm N
Công tác trồng rừng thay thế, bổ sung luôn được xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 2 huyện Đắk Glong, Đắk Song chỉ đạo quyết liệt để thu hồi, QLBV rừng thông dọc QL14 và QL28; trong đó, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tập thể cấp ủy, chính quyền, đơn vị liên quan. Đến nay, việc trồng lại các diện tích rừng thông cảnh quan tại 2 huyện cơ bản đã xong. Qua đó, cho thấy quyết tâm của các địa phương nhằm bảo vệ bằng được diện tích rừng thông hiện có.

Hoàng Hoài