Chính sách

Đắk Nông nỗ lực phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Y Krak Knul {Ngày xuất bản}

Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đã được Đắk Nông thực hiện với tinh thần tốt nhất.

Cải thiện chất lượng giáo dục

Hiện nay, Đắk Nông có 1 trường PTDTNT cấp tỉnh, 7 trường PTDTNT huyện và 2 trường PTDT bán trú. Toàn tỉnh đã tăng cường đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT và PTDT bán trú.

Các phòng học, ký túc xá, khu sinh hoạt và nhà ăn không ngừng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và học tập cho học sinh DTTS. Điều này không chỉ giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn mà còn góp phần vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục, thu hút nhiều em học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa tiếp tục đến trường.

Trường PTDT nội trú THCS & THPT huyện Đắk Mil được đầu tư màn hình để phục vụ công tác dạy và học cho học sinh DTTS
Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Đắk Mil được đầu tư màn hình led để phục vụ công tác dạy và học cho học sinh DTTS

Những năm qua, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị dạy và học. Năm học 2024 - 2025, trường có 15 lớp với hơn 500 học sinh. Thầy, cô giáo coi học sinh như con, kèm cặp sát sao, uốn nắn, nhắc nhở từ hành vi nhỏ, hằng ngày chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Thấu cảm tấm lòng cô giáo, các em chăm học hơn, mạnh dạn tham gia hoạt động của lớp, của trường, chấp hành nề nếp nội quy nhà trường.

Em Hầu Thị Lia (dân tộc Mông), lớp 12A2 cho biết: Được học trong ngôi trường mang tên anh hùng N'Trang Lơng là niềm vinh dự, sự may mắn và niềm hạnh phúc với em. Trường được xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Chúng em còn được hưởng nhiều chính sách dành cho học sinh DTTS. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt không phụ lòng bố, mẹ, quý thầy cô".

dsc_1517.jpg
Học sinh DTTS Trường PTDT nội trú huyện Krông Nô được nhận học bổng của tỉnh Đắk Nông dành cho các em học sinh vượt khó học giỏi

Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình 1719 có nội dung “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS".

Một trong những trọng tâm của đổi mới giáo dục tại các trường dành cho học sinh DTTS là áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa của từng dân tộc. Đồng thời, giáo viên được khuyến khích tìm hiểu và kết hợp văn hóa địa phương vào các bài giảng, giúp học sinh thêm tự hào về bản sắc dân tộc của mình.

Hứa Hà (1)

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Đắk Nông cũng đã khảo sát, biên soạn, tập huấn, in ấn, cấp phát tài liệu cho học sinh và giáo viên. Điển hình như tài liệu về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc cho các trường PTDTNT, bán trú; tài liệu nâng cao năng lực Tiếng Việt; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học môn Ngữ Văn; tài liệu phát triển năng lực phẩm chất phù hợp học sinh trường phổ thông DTTS cấp THCS...

Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 5 của Chương trình 1719, tổng số vốn được giao gần 32 tỷ đồng. Với nguồn vốn được phân bổ trên, đến nay Sở GD-ĐT đã sửa chữa, nâng cấp 4 trường PTDT nội trú THCS & THPT: Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô và Tuy Đức. Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục báo cáo kinh tế kỹ thuật để tiếp tục nâng cấp, sửa chữa Trường THPT DTNT N'Trang Lơng...

Cụ thể, trong năm 2022, vốn giao gần 8,9 tỷ đồng; đã thực hiện giải ngân hơn 7,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,1%. Năm 2023 gần 12 tỷ đồng; thực hiện giải ngân gần 3.4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,3%. Trong năm 2024, nguồn vốn giải ngân 8,5 tỷ đồng và sẽ cố gắng thực hiện giải ngân trong các tháng còn lại của năm.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trong số 15 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% thì có đến 6 đơn vị là các trường DTNT. Kể cả những năm học trước, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của các trường DTNT đều đạt rất cao. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong triển khai các nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.

Nguồn: Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông

Duy trì và nâng cao hiệu quả xóa mù chữ

Tại các vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ mù chữ và thiếu tiếp cận giáo dục vẫn còn cao, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở các địa phương đông đồng bào DTTS.

Các chương trình xóa mù chữ (XMC) đã được triển khai mạnh mẽ nhằm đảm bảo rằng mọi người dân, từ trẻ em đến người lớn, đều có cơ hội học tập và nâng cao trình độ học vấn. Các lớp học XMC được tổ chức linh động, phù hợp với thời gian lao động của người dân để khuyến khích họ tham gia.

Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình 1719, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được quan tâm mở lớp học xóa mù chữ
Đồng bào DTTS xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) tích cực tham gia các lớp XMC

Tại Đắk Glong, với đặc thù có nhiều người dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống nên số lượng người mù chữ trên địa bàn huyện còn khá cao.

Trong những năm qua, bằng những giải pháp thiết thực, Đắk Glong đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phổ cập giáo dục, XMC. Hiện tại, địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn XMC mức độ 1.

Không riêng huyện Đắk Glong, kết hợp nhiều chương trình, dự án các địa phương khác có đông đồng bào DTTS như Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Krông Nô… cũng đã quan tâm mở nhiều lớp XMC cho người DTTS. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 65 lớp xóa mù chữ, thu hút hơn 2.000 học viên tham gia.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩnXMC; có 7/8 huyện đạt chuẩn mức độ 2 và một huyện đạt chuẩn mức độ 1. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường đạt 13,2%; tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi đến trường đạt 84,7%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 98,4%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 94,6%.

Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp ăn các trường PTDT nội trú và PTDT bán trú được xây dựng theo quy chuẩn bếp ăn một chiều, với đầy đủ trang thiết bị
Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp ăn các trường PTDTNT và PTDT bán trú được xây dựng theo quy chuẩn "Bếp ăn một chiều"

Tiếp tục nỗ lực thực hiện

Bên cạnh kết quả bước đầu thì việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 5 thuộc Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Cụ thể như các quy định, văn bản hướng dẫn về mức chi cho từng nhiệm vụ trong dự án còn chung chung; chưa quy định mức chi cụ thể và còn viện dẫn đến nhiều văn bản khác nên rất khó trong việc xây dựng dự toán.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, giữ gìn văn hóa truyền thống tại các trường PTDT nội trú và PTDT bán trú được chú trọng
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, giữ gìn văn hóa truyền thống tại các trường PTDT nội trú và PTDT bán trú được chú trọng

Các dự án có khối lượng công việc lớn, thủ tục thực hiện theo trình tự đòi hỏi cần nhiều thời gian, dẫn đến thời gian thi công dài, khối lượng hoàn thành và giải ngân còn thấp....

Trong thời gian tới, để đạt được kết quả tốt, đảm bảo đúng theo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra của Dự án 5, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tục có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, ngành chức năng liên quan để nắm bắt thực tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với đó, ngành Giáo dục, các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chế độ báo cáo, công tác thông tin, truyền thông về thực hiện Dự án 5, Chương trình 1719 được tăng cường.

Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú đã và đang được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Trong ảnh: Một góc khang trang Trường PTDT nội trú THCS & THPT huyện Đắk Mil
Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 5, các trường PTDTNT, PTDT bán trú đã và đang được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. (Trong ảnh: Một góc khang trang Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Krông Nô)

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập. Cùng với nhiều nguồn vốn, từ nguồn vốn của Dự án 5, Chương trình 1719, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đẩy nhanh chuyển đổi số.

Y Krak Knul