Chính trị

'Quốc hội trẻ em': Thảo luận về tác hại của chất kích thích và bạo lực học đường

PV 23/09/2024 15:56

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” diễn ra từ ngày 27-29/9 với sự tham dự của 306 đại biểu là các đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại biểu tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm 2023. (Nguồn: TTXVN phát)
Đại biểu tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm 2023. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 23/9, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Lê Hải Long cho biết phiên họp diễn ra từ ngày 27-29/9 với sự tham dự của 306 đại biểu là các đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa hy vọng tiếng nói của các em tại phiên họp giả định lần này sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn cho sự tham vấn của trẻ em đối với các vấn đề quyền của trẻ em mà Quốc hội đang quan tâm.

Hai chủ đề của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm nay gồm: "Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường." Các chủ đề được lựa chọn từ 6 nhóm vấn đề do trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố gửi về, sau đó được tập hợp, lấy ý kiến trong 2 tháng với 300.000 góp ý.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Nguyễn Phạm Duy Trang chia sẻ phiên họp là hoạt động thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016; cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; triển khai Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027."

"Phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan. Phiên họp giúp thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội. Phiên họp cũng khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em," Bí thư Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết thêm.

Em Nguyễn Thủy Tiên (lớp 9C, trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) mong muốn qua Phiên họp, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, thách thức trẻ em đang phải đối mặt trong cuộc sống hiện đại.

Đây cũng là cơ hội để thay đổi cách tiếp cận trong công tác tuyên truyền, đưa ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm bảo đảm mỗi trẻ em đều được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, có điều kiện phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.

Theo kế hoạch, ngày đầu tiên (27/9), các đại biểu sẽ gặp mặt Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương; tham quan trải nghiệm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ngày 28/9, các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn; tham quan Bảo tàng Quốc hội. Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại 12 tổ về 2 chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường."

Ngày 29/9, các đại biểu tiến hành chất vấn tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội). Phiên làm việc dự kiến có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành liên quan.

Trong số 306 đại biểu tham dự có 47 em người dân tộc thiểu số. Về thành tích học tập, có 11 em đoạt giải thưởng quốc tế; 28 em đoạt giải thưởng cấp quốc gia; 77 em đoạt giải thưởng cấp tỉnh, thành phố; 126 em đoạt giải thưởng cấp quận, huyện./.

PV