Đắk Lắk tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua bán người
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 18:08, 15/05/2023
Công an xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp tuyên truyền cho người dân về hoạt động mua bán người. |
Theo Phòng cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk, các đối tượng đã lợi dụng vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và một bộ phận nhân dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, trình độ, nhận thức còn hạn chế... để dụ dỗ, lừa gạt nhằm thực hiện hành vi mua bán người.
Phương thức thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng đó là đăng thông tin tuyển lao động với mức lương cao, công việc nhàn hạ trên các trang mạng xã hội để lừa các nạn nhân tham gia, sau đó bán sang Campuchia để làm việc trong các khu casino hoặc bán trong nội địa để cưỡng bức lao động làm việc trong các cơ sở karaoke, massage... Thậm chí, các đối tượng còn yêu cầu gia đình phải trả một số tiền lớn mới trả con em họ trở về và chúng tìm mọi cách hù dọa buộc gia đình phải chuyển tiền cho chúng.
Trước tình hình trên, để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên, Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn.
Phương thức thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng đó là đăng thông tin tuyển lao động với mức lương cao, công việc nhàn hạ trên các trang mạng xã hội để lừa các nạn nhân tham gia, sau đó bán sang Campuchia để làm việc trong các khu casino hoặc bán trong nội địa để cưỡng bức lao động làm việc trong các cơ sở karaoke, massage...
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm mua bán người theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực địa bàn quản lý, gắn với thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”, sau đó bán sang Campuchia làm việc trong các casino để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động, đồng thời tích cực phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người với lực lượng Công an; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương hướng dẫn xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, kịp thời phát hiện, thu thập thông tin về tội phạm mua bán người, trong đó chú trọng các tuyến, địa bàn trọng điểm và hành vi mua bán người sang Campuchia để làm việc trong các khu casino. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Tập trung kiểm tra, xác minh giải quyết các tin báo vụ việc mua bán người theo quy định.
Sở Tư pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, các đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; tăng cường công tác quản lý hoạt động đăng ký kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, góp phần phòng, ngừa tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí duy trì các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và hệ thống thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở, nhất là thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”, sau đó bán sang Campuchia làm việc trong các casino.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; kịp thời tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân, nhất là các chính sách, dịch vụ hỗ trợ ban đầu, tạo mọi điều kiện để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sở thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân trở về; nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập tại cộng đồng và kết nối các đường dây nóng về phòng, chống mua bán người. Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.
Sở Ngoại vụ tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc các bộ, ngành thực hiện việc xác minh, tiến hành các thủ tục cần thiết để hỗ trợ các trường hợp nạn nhân trên địa bàn tỉnh bị mua bán về nước.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình tuyến biên giới của tỉnh; thường xuyên tổ chức tuần tra để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các đối tượng có các hoạt động nghi vấn về mua bán người.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tuần tra kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán người qua biên giới. |
Liên ngành Công an-Viện Kiểm sát nhân dân-Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường xác lập án điểm, xét xử lưu động công khai các vụ án mua bán người nhằm tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa chung.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống mua bán người tại địa bàn dân cư.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, nhất là thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”, sau đó bán sang Campuchia làm việc trong các casino; tập trung thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, quan tâm giải quyết việc làm cho nhóm có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người như người đang độ tuổi lao động nhưng không có việc làm, mất việc làm do tác động của dịch Covid-19, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... tại địa phương, không để tội phạm mua bán người có điều kiện hoạt động...