Pháp luật

Làm gì để bảo đảm an toàn cho học sinh Đắk Nông đến trường?

Lê Phước {Ngày xuất bản}

Việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đến trường là trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thay đổi nhận thức từ phụ huynh

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại Đắk Nông có xu hướng diễn biến phức tạp. Từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 325 vụ TNGT làm 218 người bị chết và 191 người bị thương. Trong đó, có 37 vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, làm chết 25 người và bị thương 29 người.

Ngành chức năng nhận định, có tới hơn 90% số vụ TNGT là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, vi phạm các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.

Một số lỗi chủ yếu gây TNGT như: thiếu chú ý quan sát, đi không đúng phần đường quy định, chuyển hướng không đúng quy định…

Đây cũng là những lỗi mà các em trong độ tuổi học sinh thường xuyên gặp phải khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Bởi đây là lứa tuổi mà ý thức chấp hành, văn hóa giao thông còn nhiều hạn chế.

a IMG_6779
Học sinh dưới 18 tuổi điều khiển xe trên 50cm3 sẽ bị xử phạt hành chính, bị tạm giữ phương tiện và người giao xe cũng bị xử lý

Theo lãnh đạo Công an TP. Gia Nghĩa, người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được điều khiển xe có dung tích xi lanh dưới 50cm3.

Nếu điều khiển xe có dung tích xi lanh trên 50cm3, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (quy định tại Điều 21, Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

Người giao xe mô tô trên 50cm3 cho người chưa đủ điều kiện (chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe) cũng bị xử phạt từ 800.000 - 2.000.000 đồng. Khi xảy ra tai nạn giao thông, người giao xe có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Để ngăn ngừa TNGT từ sớm, từ xa thì bản thân phụ huynh phải thay đổi nhận thức của mình về vấn đề bảo đảm ATGT. Bởi khi phụ huynh nói không với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển, điều đó đã giúp chính con em của họ bảo vệ được ATGT cho mình và mọi người.

Một vấn đề đáng lưu ý của ngành chức năng quan tâm là việc thay đổi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong mỗi gia đình, mỗi phụ huynh. Phần lớn các phụ huynh đưa đón con từ độ tuổi mầm non đến THCS.

Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa làm tốt vấn đề nêu gương, vẫn xảy ra tình trạng vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm… Những hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần, vô tình tạo thói quen xấu cho bản thân các em nhỏ.

a IMG_8858
Giờ tan tầm, phụ huynh đậu kín xe trước Trường tiểu học xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Học sinh ra khỏi cổng trường chỉ còn 1 lối đi rất nhỏ

Vào giờ tan tầm, không khó để thấy trước các trường tiểu học, THCS kẹt cứng xe cộ. Phụ huynh điều khiển xe mô tô, ô tô chen chúc nhau để đưa đón con em của mình.

Đáng lưu ý là có những trường hợp chen lấn, cố tình đậu đỗ xe trước cổng trường. Điều này không chỉ gây áp lực cho các phương tiện khác mà vô hình tạo nên một nét văn hóa xấu của người tham gia giao thông.

Nhiều giải pháp từ nhà trường

Trường THPT Chu Văn An nằm ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa. Năm học 2024 - 2025, trường có 1.172 học sinh với 26 lớp học. Phần lớn học sinh trong trường ở các xã, phường của TP. Gia Nghĩa.

Theo bà Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, trường chỉ có một số ít học sinh ờ trung tâm thành phố và gần trường, được bố mẹ đưa đón. Phần lớn học sinh của trường đều tự chủ động đến trường bằng mô tô dưới 50cm3, xe máy điện.

Hàng năm, nhà trường đều cho 100% học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT như: không điều khiển xe mô tô trên 50cm3 khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe, thực hiện đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô… Các cam kết này đều có ý kiến xác nhận của phụ huynh.

a IMG_9083 copy
Học sinh Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa chấp hành các quy định về giao thông khi tự đi xe mô tô dưới 50cm3, xe máy điện tới trường

Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa để giáo dục ý thức chấp hành, giữ gìn trật tự ATGT cho học sinh.

Trường xây dựng tủ sách pháp luật, cấp phát tài liệu, thông tin liên quan đến ATGT cho học sinh. Nhà trường xem việc chấp hành giao thông là một tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại của học sinh.

Bà Yến chia sẻ: Ngoài các kiến thức về luật giao thông và kỹ năng bảo đảm an toàn, nhà trường quan tâm trang bị cho học sinh cách ứng phó với các tình huống, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Chúng tôi rất mong góp phần nhỏ để hình thành thế hệ trẻ tham gia giao thông thực sự có văn hóa.

Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ, giáo viên và học sinh được ngành Giáo dục - Đào tạo rất quan tâm. Những năm qua, Đắk Nông đã xây dựng các mô hình như: “Cổng trường ATGT”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Sở Giáo dục - Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường tăng cường dạy học tích hợp giáo dục pháp luật về ATGT trong chương trình chính khóa, ngoại khóa. Việc tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền.

Các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với gia đình để kết hợp tuyên truyền, giáo dục sát sao, kịp thời nhắc nhở, xử lý những trường hợp học sinh vi phạm ATGT.

Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATGT cho học sinh đến trường (Trong ảnh: Đội cờ đỏ Trường THCS Trần Phú, huyện Đắk Song hướng dẫn học sinh di chuyển ra khỏi cổng trường)
Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ATGT cho học sinh đến trường (Trong ảnh: Đội cờ đỏ Trường THCS Trần Phú, huyện Đắk Song hướng dẫn học sinh di chuyển ra khỏi cổng trường)

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Nông Trần Sĩ Thành, việc nâng cao nhận thức của học sinh về trật tự ATGT đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ngành Giáo dục - Đào tạo có 4 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh.

Ngoài ra, các trường học thường xuyên phối hợp với phụ huynh để nhắc nhở, giáo dục con em mình chấp hành quy định về ATGT và tuyệt đối không được giao xe trên 50cm3 cho học sinh.

Khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về học sinh điều khiển xe mô tô không đúng quy định hoặc vi phạm ATGT, nhà trường có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh lên thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con cái không tái phạm.

Tăng cường xử lý vi phạm

Tại Đắk Nông thời gian qua, lực lượng công an mà nòng cốt là CSGT thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các chương trình tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh.

Trong các chương trình này, lực lượng chức năng đã thông tin cho học sinh về tình hình vi phạm luật giao thông trong lứa tuổi học sinh, những quy tắc khi tham gia giao thông…

CSGT đã phát các tờ rơi tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cho học sinh và kêu gọi các nhà tài trợ tặng mũ bảo hiểm cho học sinh. Lực lượng CSGT cùng nhà trường tổ chức cho các em học sinh ký cam kết chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

a IMG_6790
Lực lượng CSGT Đắk Nông thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các vấn đề liên quan đến trật tự ATGT tại khu vực trường học

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo CSGT và công an địa phương chủ trì, phối hợp với các trường học kiểm tra việc sử dụng phương tiện giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi xe trong trường khu vực cổng trường.

Công an phối hợp với nhà trường làm việc với học sinh và phụ huynh để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, không để học sinh vi phạm và tái phạm.

Lực lượng công an thường xuyên rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng để xử lý.

Cùng với tuyên truyền, Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây TNGT cho học sinh.

Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, công an sẽ gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.

a IMG_6807
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, lực lượng công an còn thông báo về cho nhà trường về các trường hợp học sinh vi phạm giao thông

Công an tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các lực lượng xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự ATGT tại các tuyến đường gần trường học.

Các lực lượng thường xuyên rà soát trên không gian mạng để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy đua xe, lạng lách, đánh võng…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT Đắk Nông đã phát hiện, xử lý 1.037 trường hợp vi phạm ATGT ở lứa tuổi học sinh. Trong số này, có 654 trường hợp được xác định có hành vi điều khiển xe mô tô không đủ điều kiện, 244 trường hợp vi phạm khi giao xe cho người không đủ điều kiện…

Đối với các vụ TNGT liên quan đến học sinh, Công an tỉnh Đắk Nông chỉ đạo phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định. Cơ quan chức năng củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn. Cùng với việc xác định nguyên nhân, các đơn vị phải kiến nghị các giải pháp để phòng ngừa.

Đồng bộ các giải pháp liên quan

Theo ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, công tác bảo đảm ATGT cho học sinh đã có nhiều chuyển biến. Nhưng tình hình trật tự ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Trước tình trạng trên, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm trật tự ATGT. Cả hệ thống chính trị phải xem công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng.

Việc thực hiện cần được duy trì một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai.

phuoc.jpg

Ngoài nhà trường và lực lượng công an, các cơ quan thành viên Ban ATGT địa phương phải cùng tập trung vào nhiệm vụ này. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các thành viên ban hành chương trình, kế hoạch triển khai nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ATGT cho học sinh.

Việc xử lý vi phạm được Ban ATGT Đắk Nông xác định là giải pháp quan trọng. Các cơ quan chuyên môn cần tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT như: chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, không chấp hành tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện (chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe)…

Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, các địa phương tổ chức đánh giá, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông trong trường học.

Mục tiêu là mỗi học sinh từ mầm non phải được trang bị kiến thức cơ bản về ATGT và duy trì liên tục trong các cấp học giáo dục phổ thông.

Tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kịp thời xử lý bất cập trong tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn TNGT trong khu vực trường học. Các cơ quan chức năng kịp thời phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học để tránh ùn tắc, phòng ngừa tai nạn.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông cũng từng bước đầu tư để cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ. Tỉnh tiếp tục kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư phương tiện bảo đảm chất lượng để phục vụ đưa đón học sinh ở các huyện, thành phố để góp phần bảo đảm ATGT.

Theo Ban ATGT tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có 27 phương tiện đưa đón học sinh, chủ yếu tập trung tại Đắk R’lấp và Tuy Đức. Mô hình đưa đón học sinh đến trường đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho học sinh tới trường.

Lê Phước