Xây dựng tổ hợp tác nuôi gà OCOP

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 21:52, 18/09/2024

Nhận thấy tiềm năng thị trường tiêu thụ sản phẩm trứng gà tươi, những nhà nông ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã bắt tay xây dựng, thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hợp Phát, hướng đến mục tiêu chăn nuôi an toàn, hiệu quả và xây dựng sản phẩm trứng gà OCOP.
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng tại Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hợp Phát.
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng tại Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hợp Phát.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dần ở xã Hòa Nam đã có kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gà. Ông Dần cho biết, trước năm 2018, gia đình ông nuôi gà thịt. Sau đó, nhận thấy thị trường tiêu thụ trứng gà ổn định, mang lại thu nhập khá tốt, gia đình ông quyết định chuyển hướng nuôi gà lấy trứng. “Nuôi gà lấy trứng có thể giảm rủi ro cho người chăn nuôi, do nhu cầu thị trường luôn cao. Nếu có đợt trứng giá thấp, đợt sau tăng giá sẽ bù lại được. Còn với nuôi gà lấy thịt, nếu gặp dịch hoặc thời điểm thị trường giảm giá, người nuôi sẽ thiệt hại khá lớn”, ông Dần chia sẻ.

Trong trại gà của gia đình, ông Dần chia thành hai loại gà, gồm giống gà đỏ CP và gà trắng Ai Cập. Ông cho biết, trứng gà đỏ CP có vỏ mầu nâu, chuyên cung ứng cho thị trường theo dạng cân ký. Còn trứng gà trắng Ai Cập có mầu trắng, được thị trường chấp nhận theo dạng đếm quả, giá cao hơn.

Theo những hộ chăn nuôi gà ở Hòa Nam, nuôi gà đỏ CP hay gà trắng Ai Cập đều áp dụng kỹ thuật tương tự, người chăn nuôi cần chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, cung cấp cho gà thức ăn, nước uống đầy đủ, dọn dẹp chuồng trại thường xuyên. “Gà của trang trại gia đình tôi mua là gà hậu bị 16 tuần tuổi. Sau khoảng 3 tuần, gà bắt đầu đẻ trứng; sau hai tháng, tỷ lệ gà đẻ ổn định ở mức 90%”, ông Dần cho biết.

Theo ông Dần, cũng giống nhiều mặt hàng nông sản khác, thị trường trứng gà có lên, có xuống, nhưng do sản phẩm được thu hằng ngày nên người chăn nuôi vẫn có thu nhập khá tốt. Nuôi gà còn thu được lượng phân, chất thải từ chuồng trại, người chăn nuôi có thể ủ làm phân hữu cơ sử dụng cho gia đình, hoặc đóng bao bán ra thị trường, đây cũng là một nguồn thu ổn định cho người chăn nuôi gà. Kinh nghiệm của ông Dần cho thấy, sử dụng phân gà bón cho vườn cà-phê, sầu riêng sẽ giảm chi phí phân bón được khoảng 40%. Không dừng lại ở làm ăn đơn lẻ, gia đình ông Nguyễn Văn Dần cùng một số nông dân chăn nuôi gà trên địa bàn xây dựng và thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hợp Phát.

Gia đình ông Vũ Đình Nghị, xã Hòa Nam, thành viên Tổ hợp tác cũng chọn chăn nuôi gà đỏ CP và gà trắng Ai Cập. Theo ông Nghị, cùng chăn nuôi một loại gà, các thành viên trong tổ sẽ thuận lợi hơn trong hỗ trợ nhau về kỹ thuật, về giống cũng như bảo đảm cung ứng sản lượng trứng, giúp người chăn nuôi tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Nghị cho biết, khi gà được 12 tháng tuổi, tỷ lệ gà đẻ sẽ giảm dần và cần thay lứa gà đẻ mới. Trong thời gian trại ngừng cung cấp trứng để thay gà đẻ, thương lái sẽ bị mất nguồn hàng. Nhờ có tổ hợp tác và các thành viên cùng chăn nuôi, nguồn trứng được cung cấp thường xuyên, liên tục, bảo đảm nguồn hàng. Đây là yếu tố quan trọng để thương lái gắn bó lâu dài với tổ hợp tác.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nam Ngô Thị Luyến cho biết, địa phương luôn khuyến khích, động viên các hộ chăn nuôi xây dựng các chứng chỉ chăn nuôi an toàn; đồng thời, xây dựng và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để hướng đến chăn nuôi an toàn, đạt hiệu quả cao. “Liên kết làm ăn tập thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nông hộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm đầu ra ổn định”, bà Luyến cho biết.

Hiện, Ủy ban nhân dân xã Hòa Nam đang hỗ trợ Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hợp Phát xây dựng quy trình chăn nuôi VietGAP cho gà đẻ trứng, quyết tâm xây dựng sản phẩm trứng tươi của tổ hợp tác này trở thành sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng thương hiệu để tiến tới những thị trường cao cấp hơn, mang lại thu nhập bền vững cho người chăn nuôi.

Bài và ảnh: BẢO VĂN