Trật tự

Đắk Nông nỗ lực phòng, chống thiên tai

Lệ Sương - P.V 19/09/2024 05:30

Các hiện tượng thiên tai như sụt lún, sạt lở... ở Đắk Nông hiện đang diễn ra phức tạp. Các cơ quan chức năng đã và đang triển khai các nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ đời sống người dân và bảo đảm an toàn giao thông trên toàn tỉnh.

Sụt lún, sạt lở xảy ra ở nhiều địa phương

Mùa mưa đến, tỉnh Đắk Nông tiếp tục đối mặt với tình trạng sụt lún, sạt lở nguy hiểm tại nhiều địa phương. Từ đầu tháng 9, các huyện thuộc tỉnh đã liên tiếp ghi nhận hiện tượng này.

Tại huyện Đắk R’lấp, từ ngày 8 - 16/9, trên địa bàn xã Quảng Tín đã phát hiện 3 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Điểm sạt lở thứ nhất từ cây xăng Trung Dũng đến quán cà phê Phin dốc Ông Bồ, thôn 3; điểm sạt lở thứ 2 tại khu vực gần chùa Phước Hoa thuộc bon Bù Bir; điểm sạt lở thứ 3 tại khu vực quốc lộ 14 đối diện đường đi vào tổ 1, tổ 3.

sat-lo-1(1).jpg
Vết nứt ngày càng lan rộng tại một hộ dân ở điểm sạt lở xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp

Ngay sau khi phát hiện sự việc, UBND xã Quảng Tín đã xuống hiện trường ghi nhận hiện trạng, huy động lực lượng phối hợp thực hiện các biện pháp di dời tài sản và người. Tại điểm sạt lở thứ nhất có 2 hộ gia đình đang sinh sống, UBND xã đã vận động các gia đình tháo dỡ các công trình có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời, xã phối hợp với gia đình và Đội tình nguyện dân quân địa phương vận chuyển vật dụng, đồ đạc và con người đến nơi ở an toàn… UBND xã đã giăng dây phong tỏa và cắm các biển, bảng cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở cao.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông khi nhận được thông tin đã nhanh chóng phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay các công việc cần thiết. Ngành chức năng đã thống nhất thay thế các biển bảng hạn chế tốc độ qua đoạn đường này (tốc độ tối đa cho các xe tải trên 3,5 tấn; xe khách trên 29 chỗ là 40 km/giờ thay cho 50 km/giờ trước đó)…

51d7(1).jpg
Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do tình trạng san lấp mặt bằng

Theo UBND xã Quảng Tín, nguyên nhân ban đầu xảy ra sụt lún, sạt lở được xác định là do tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu là tình trạng san lấp mặt bằng với khối lượng lớn cộng với điều kiện địa hình đồi, dốc và lượng mưa lớn…

Trên tuyến quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, một số vị trí tại đèo Cùi Chỏ đã ghi nhận bị sạt lở. Sáng 17/9, đất đá và cây cối đổ xuống lòng đường đã ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến quốc lộ 28. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng xử lý sự cố bảo đảm giao thông thông suốt.

896_n(1).jpg
Cây cối đổ xuống lòng đường tại điểm sạt lở trên quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Ảnh: Đắk Glong đổi mới)

Còn trên tỉnh lộ 1, đoạn qua huyện Tuy Đức, sự cố sụt lún đã buộc chính quyền địa phương cấm các phương tiện trọng tải lớn di chuyển để bảo đảm an toàn giao thông từ ngày 6/9. Đây là đoạn đường đã xảy ra sự cố sụt lún do mưa bão năm 2023. Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, ngành chức năng đã có các biện pháp khắc phục tạm thời. Tuy nhiên trong mùa mưa năm nay, tình trạng sụt lún tiếp tục diễn biến phức tạp buộc chính quyền địa phương phải thực hiện phương án phân luồng từ xa tại Km25+100 - Km25+950 của tỉnh lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Tuy Đức.

Sụt lún, sạt lở không chỉ xảy ra trên các tuyến giao thông mà còn ghi nhận tại các điểm trường học. Tại huyện Krông Nô, ghi nhận sụt lún tại tòa nhà 3 tầng Trường THPT Krông Nô khiến việc dạy và học của hàng trăm học sinh gặp khó khăn.

Sự xuất hiện của sụt lún, sạt lở ở các địa phương trên địa bàn Đắk Nông cho thấy tình trạng này không chỉ là vấn đề cục bộ mà lan rộng cần sự quan tâm, xử lý kịp thời của các cơ quan chức năng.

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, động đất trong bối cảnh tình hình còn diễn biến phức tạp hiện nay, ngày 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên đã ký công văn yêu cầu các sở, ngành, các địa phương triển khai thực hiện các công việc liên quan theo chức năng, nhiệm vụ.

Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương, chủ thể quản lý vận hành hồ đập tăng cường thực hiện công tác khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về địa chất kiến tạo, sạt lở, sụt lún đất trong thời gian qua để xác định cụ thể nguyên nhân, mức độ nguy hiểm. Đồng thời, các ngành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng phương án chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh chủ động dự báo, cảnh báo, thông tin đầy đủ, kịp thời về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thiên tai, động đất để người dân và các cơ quan chức năng triển khai phòng ngừa, ứng phó giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, động đất để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.

6319_n(1).jpg
Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng dọn dẹp các cây ngã đổ, cắm biển cảnh báo tại điểm sạt lở trên quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Ảnh: Đắk Glong đổi mới)

UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ tịch UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với gia đình bị thiệt hại do thiên tai, nhất là các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương, gia đình khó khăn, gia đình chính sách, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân.

Các huyện, thành phố ưu tiên sử dụng các nguồn vốn, chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết ngay các nhiệm vụ, công việc cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng pháp luật, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

sạt lở
Nguồn: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Lệ Sương - P.V