Đắk Mil mở lối thoát nghèo cho lao động nông thôn
Từ thực tế số lượng lao động nông thôn có tay nghề, trình độ chuyên môn rất ít, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đẩy mạnh đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thực tiễn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Anh Lê Văn Minh, thôn 1, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil vừa trải qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn.
Lâu nay, gia đình anh Minh chủ yếu phát triển vườn cây bằng kinh nghiệm bản thân nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Sau khóa đào tạo, anh Minh đã tự tin hơn trong việc phát triển vườn rẫy của gia đình.
Anh Lê Văn Minh cho biết: “Sau khi được tham gia khóa đào tạo nghề nông nghiệp, bản thân tôi đã tự tin, có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch và phục hồi vườn cây sau thu hoạch. Những kiến thức bổ ích này đã giúp chúng tôi duy trì vườn cây khỏe mạnh và cho năng suất cao”.
Mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đắk Mil tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại xã Đắk N’Drót. Tham gia lớp học, có 35 học viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn xã.
Với phương châm đào tạo kết hợp lý thuyết với thực hành, sau 3 tháng, học viên được hướng dẫn kỹ năng cắt, may và hoàn thành một sản phẩm. Nhiều chị em khi được tham gia lớp dạy học may miễn phí rất phấn khởi vì sẽ có thêm công việc, sinh kế để phát triển bản thân, kinh tế, tăng thu nhập trong thời gian tới để cải thiện kinh tế gia đình.
Chị H'Linh, bon Đắk Me, xã Đắk N'Drót chia sẻ: “Trước đây, tôi có đi làm cho một công ty sản xuất đồ gỗ, tuy nhiên do không có tay nghề nên chỉ làm được một số công việc nhẹ, thu nhập không cao. Khi địa phương có mở lớp dạy nghề may miễn phí, tôi đã đăng ký đi học. Sắp tới, sau khi được cấp chứng chỉ, tôi sẽ xin đi làm công nhân may”.
Theo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil, năm 2023, đơn vị đã tổ chức được 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 595 học viên tham gia. Trong đó, 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, 11 lớp phi nông nghiệp.
Trong năm 2024, từ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã để tuyên truyền, tuyển sinh và mở 12 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, với 420 học viên. Trong số này có 4 lớp sơ cấp nghề và 8 lớp đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil ưu tiên mở các lớp đào tạo nghề có liên quan đến sản xuất nông nghiệp, may mặc, nấu ăn, chăn nuôi thú y… Các khóa học nghề sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, giúp người dân tái canh, phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Long, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil đánh giá, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thực tiễn. Thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề, người dân, nhất là thanh niên nông thôn được nâng cao kiến thức, phát huy kinh nghiệm để áp dụng vào phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương và chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn.
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, người lao động được đào tạo nghề miễn phí là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người lao động được đào tạo nghề miễn phí là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.