Giáo dục - Đào tạo

Dạy kê, dạy gác - Giải pháp tình thế khi thiếu giáo viên ở Đắk Nông

Nguyễn Hiền 14/09/2024 09:57

Vì thiếu giáo viên nên ngành Giáo dục Đắk Nông buộc phải triển khai dạy kê, dạy gác (DK-DG) để bảo đảm cơ bản chương trình dạy và học cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, việc DK-DG gây nhiều nỗi lo, trăn trở cho các nhà quản lý giáo dục hàng năm

Dạy kê, dạy gác vẫn là giải pháp quan trọng

Đắk Glong là một trong những huyện "dẫn đầu" về DK-DG do tình trạng thiếu giáo viên hàng năm.

dsc01445.jpg
Học sinh tăng nhanh là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên

Năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Du ở xã Quảng Khê là một trong những đơn vị có số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất huyện Đắk Glong. Để đáp ứng yêu cầu dạy và học, trường đã tổ chức DK-DG với tổng số tiết dư lên đến 1.537 tiết. Ông Lê Ngọc Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Việc tổ chức DK-DG gây rất nhiều khó khăn cho nhà trường và vất vả cho cán bộ, giáo viên. Huyện quan tâm bố trí kinh phí chi trả tiền DK-DG cho giáo viên, không để “nợ” như những năm trước đây nên ai cũng phấn khởi, tin tưởng hơn. Số tiền chi trả cho giáo viên trong đợt mới đây nhất lên đến trên 318 triệu đồng”.

Cũng theo ông Lâm, năm học 2024-2025, toàn trường có 930 học sinh theo học ở 22 lớp. Trường hiện có 34 giáo viên đứng lớp và không có quỹ biên chế dự phòng. Theo quy định, trường hiện thiếu 9 giáo viên ở các bộ môn: Toán, Văn, tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất... Trường được UBND huyện phân bổ về 6 chỉ tiêu hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trường mới chỉ tuyển được 1 giáo viên hợp đồng môn Toán. Vì vậy, việc dạy kê, dạy gác trong năm học 2024-2025 là không tránh khỏi.

img_2581.jpg
Giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong chú trọng kèm học sinh yếu

Trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là một trong những trường tiểu học có số lượng học sinh đông nhất tỉnh. Riêng năm học 2024-2025, trường có 1.300 học sinh các khối, lớp, trong đó có đến 96% là học sinh con em dân tộc thiểu số. Theo bà Phan Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính, năm học này trường được bổ sung 5 biên chế giáo viên và đã tuyển được 2/5 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng nên số lượng giáo viên thiếu giảm xuống còn 8 người. Trường hợp nếu tuyển đủ chỉ tiêu hợp đồng thì trường vẫn phải thực hiện DK-DG.

“Trường mới được chi trả tiền DK-DG của năm học 2023-2024 với số tiền lên đến gần 274 triệu đồng. Năm học 2024-2025, do hệ số lương cơ bản tăng, thêm vào đó, trường tổ chức dạy tăng từ 8 lên 9 buổi/tuần theo quy định nên nếu thực hiện DK-DG thì số tiền chi trả sẽ vượt mức chi trả của năm học trước rất nhiều nên tôi cũng rất lo lắng”, bà Huyền chia sẻ.

"Cân đo, đong đếm" trong chi trả thừa giờ

Theo ông Lê Đại Thành, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, số lượng giáo viên thiếu hàng năm ngày càng tăng trong khi huyện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển biên chế giáo viên cũng như hợp đồng giáo viên theo chỉ tiêu được giao. Năm học 2023-2024, dù rất nỗ lực nhưng huyện chỉ tuyển được 55/95 hợp đồng. Do thiếu giáo viên nên việc các cơ sở phải DK-DG là điều không thể tránh khỏi. Tính riêng từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, toàn huyện có 9.767 tiết dạy dư tương ứng với số tiền đã chi trả là trên 1,6 tỷ đồng.

img_3908.jpg
Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức khắc phục khó khăn để bảo đảm dạy học tốt nhất trong điều kiện trường thiếu giáo viên

Qua rà soát, năm học 2024-2025, toàn huyện Đắk Glong thiếu 182 giáo viên, trong đó thiếu 38 giáo viên bậc mầm non, 85 giáo viên bậc tiểu học và 59 giáo viên bậc THCS. Hiện nay, huyện đang tập trung tuyển dụng biên chế và 95 chỉ tiêu hợp đồng được giao để giảm bớt áp lực thiếu giáo viên ở các cơ sở giáo dục. Điều đáng lo ngại là hiện nay huyện đã sử dụng hết nguồn ngân sách sự nghiệp năm 2024 để chi trả tiền thừa giờ từ tháng 1 đến tháng 5/2024 nên từ tháng 9 đến tháng 12/2024 sẽ khó khăn trong việc “xoay” kinh phí để chi trả.

img_3925.jpg
Giờ ra chơi của học sinh Trường tiểu học - THCS Vừ A Dính ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức

Không chỉ các huyện, thành phố, hiện nay các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT cũng đang đứng trước khó khăn về nguồn kinh phí chi trả thừa giờ cho giáo viên. Ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin: “Hiện các đơn vị trực thuộc sở thiếu 243 biên chế theo định mức. Số lượng giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP đã giao cho sở là 149 chỉ tiêu, trong đó phải bố trí 25 chỉ tiêu để dạy cho học sinh của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông nên chỉ còn lại 124 chỉ tiêu. Để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT vẫn thiếu 119 giáo viên. Mặt khác, việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Riêng năm học 2023-2024, sở chỉ tuyển được 48/149 chỉ tiêu được giao. Với số lượng giáo viên thiếu như trên, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT cần được bổ sung 2,8 tỷ để chi thừa giờ cho giáo viên.

Tiếp tục tìm giải pháp khắc phục khó khăn

Cũng theo ông Trần Sĩ Thành, tình trạng thiếu giáo viên đang là khó khăn lớn nhất của ngành Giáo dục. Để khắc phục, ngành Giáo dục, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như dồn lớp, giảm tiết; bố trí cán bộ quản lý đứng lớp; đào tạo chuyển đổi biên chế nhân viên qua giáo viên; tăng cường tuyển dụng hợp đồng và biên chế hiện có…

DK-DG là phương án sau cùng được ngành Giáo dục cũng như các địa phương áp dụng. Những năm trước đây do nhiều nguyên nhân nên việc chi trả tiền thừa giờ gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều địa phương phải “nợ” tiền chi trả nhiều năm liền. Hai năm trở lại đây, với chủ trương của HĐND tỉnh phê duyệt, các địa phương đã cân đối nguồn chi để chi trả kịp thời tiền thừa giờ nên tạo sự phấn khởi, động lực hơn cho cán bộ, giáo viên ở các trường thiếu nhiều giáo viên.

Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT rà soát lại số giáo viên thiếu và dự kiến kinh phí cần chi trả thừa giờ để đề xuất UBND các huyện, thành phố xem xét, bố trí chi trả kịp thời và hợp lý.

img_9710.jpg
Giờ học tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành ở phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa

Tuy nhiên, việc DK-DG về lâu dài sẽ gây khó khăn cho các nhà trường, vất vả cho giáo viên đứng lớp. Cùng với đó, các tiết thừa giờ sẽ hưởng mức chi trả bằng 150% so với mức lương hiện hành nên kinh phí để chi trả hàng năm là rất lớn, thậm chí còn nhiều hơn cả tiền chi trả cho hợp đồng giáo viên. Vì vậy, việc DK-DG sẽ tạo áp lực lớn cho ngành Giáo dục cũng như các huyện, thành phố trong việc cân đối bố trí chi trả hàng năm. Về phía ngành Giáo dục, thời gian tới tiếp tục tăng cường rà soát, sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập trường lớp để giảm bớt áp lực thiếu giáo viên.

Nguyễn Hiền