Giáo viên Đắk Nông "chạy show" để bảo đảm học tập của học sinh
Ngành Giáo dục huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã và đang triển khai cho giáo viên dạy liên trường vừa bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh vừa khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.
Sẵn sàng sẻ chia với khó khăn của ngành
Ba năm trở lại đây, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền được phân công dạy liên trường gồm Trường tiểu học Tô Hiệu và Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo.
Cô giáo Huyền là giáo viên dạy môn Tin học thuộc biên chế của Trường tiểu học Tô Hiệu. Do thiếu giáo viên nên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện động viên, khuyến khích cô giáo Huyền dạy liên trường để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và bảo đảm yêu cầu chương trình giáo dục mới. Cô giáo Huyền cho biết: “Với chúng tôi, mang danh nghĩa giáo viên thì chỉ cần được dạy, được đứng lớp, có học sinh là vui rồi. Do đó, khi có chủ trương của ngành đưa ra, tôi cũng như một số đồng nghiệp khác đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.
Theo cô giáo Huyền, so với thời điểm dạy tại một trường, việc dạy liên trường như thế này không có nhiều thay đổi về số tiết, thời lượng giảng dạy. Tuy nhiên, cô giáo Huyền phải lên kế hoạch, phân bổ thời gian hợp lý để đi không trễ giờ, chưa kể Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm có tới 3 điểm trường, điểm chính cách Trường tiểu học Tô Hiệu khoảng 5km, điểm xa nhất khoảng 10km.
“Tôi được các trường tạo điều kiện, hỗ trợ sắp xếp thời khóa biểu hợp lý nhằm bảo đảm yêu cầu của việc dạy. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, tôi còn thường xuyên được động viên về tinh thần nên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Tôi cho rằng, trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, nhất là giáo viên bộ môn, việc được góp sức cùng ngành, địa phương khắc phục khó khăn trước mắt là việc cần làm, là trách nhiệm của người giáo viên”, cô giáo Huyền bộc bạch.
Đối với cô giáo Huyền, không có việc gì là dễ dàng, mỗi ngành, mỗi nghề có những cái khó riêng. Việc cùng lúc giảng dạy hai trường đối với cô giáo Huyền giờ đã thành thói quen, không có nhiều áp lực, chỉ có quyết tâm và cố gắng. Điều cô giáo Huyền trăn trở, mong muốn, bên cạnh giải “bài toán” thiếu giáo viên, các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ các điểm trường về dạy tin học để các em tiếp cận, làm quen tốt hơn môn học này.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Là biên chế giáo viên dạy môn Tin học của Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức 2 năm nay, cô giáo Huỳnh Thị Thu Hằng được phân công đảm nhận dạy thêm cho Trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức.
Để bảo đảm thuận lợi cho giáo viên liên trường, các trường đã phối hợp sắp xếp, phân bổ thời khóa biểu dạy và học phù hợp. Nhờ đó, 2 năm nay, cô giáo Hằng luôn đến trường giảng dạy đúng thời gian, bảo đảm việc học của học sinh theo thời khóa biểu và số tiết quy định.
Cô Hằng giáo kể, khoảng cách từ nhà đến Trường tiểu học Bế Văn Đàn là 10km và khoảng cách giữa hai trường là khoảng 4km. “Dạy 2 trường tuy có vất vả hơn vì di chuyển, nhất là vào mùa mưa nhưng điều này không làm cho tôi nản. Ngược lại, tôi nghĩ nghề của mình là giảng dạy, được giúp càng nhiều em tiếp cận môn học này thì mình càng cảm thấy vui. Mỗi buổi dạy, thấy các em háo hức học tập, tìm hiểu, mình càng có động lực để cố gắng hơn. Nhiều khi chúng tôi thường đùa nhau, nghề giáo giờ cũng giống như ca sĩ, họ hay chạy show diễn, còn giáo viên thì chạy show dạy”", cô giáo Hằng đùa hóm hỉnh.
Một mình chịu trách nhiệm giảng dạy môn Tin học của 2 trường, cô giáo Hằng luôn chú ý giữ gìn sức khỏe. Bởi một khi ốm đau thì không có người để dạy thay, kiến thức dồn dập, học sinh không theo kịp chương trình học. Chưa kể, máy móc để thực hành thiếu nên học dồn, học đuổi sẽ thiệt thòi cho học sinh vì ít có thời gian để làm quen máy tính, nhất là học sinh vùng sâu, dân tộc thiểu số đông như Đắk R’tíh.
“Mỗi em học sinh có một cách cách tiếp cận, tiếp thu kiến thức, thực hành máy tính khác nhau. Do đó, để có thể giúp học sinh nắm vững kiến thức, thực hành tốt, tôi thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt cách học, khả năng tiếp thu của mỗi học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, không riêng tôi mà các giáo viên bộ môn khác, khi có yêu cầu, chúng tôi đều nhận và làm tốt nhất trong khả năng của mình, tất cả vì học sinh thân yêu", cô giáo Hằng chia sẻ.
Giải pháp tình thế, trước mắt
Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức thông tin, năm học 2024 - 2025, toàn huyện có 3 giáo viên giảng dạy liên trường ở 2 bộ môn Tin học và Tiếng Anh. Đây là năm thứ 3, địa phương triển khai cho giáo viên dạy liên trường nhằm giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên.
Trước khi triển khai dạy liên trường, ngành Giáo dục và chính quyền, địa phương đều gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với các giáo viên về khó khăn của ngành. Đồng thời, ngành nắm bắt tâm tư, suy nghĩ và lắng nghe ý kiến của các giáo viên, tránh tình trạng dạy vì yêu cầu nên qua loa, đại khái, đủ tiết, đủ giờ. “Chúng tôi rất mừng vì khi đề cập dạy liên trường, các giáo viên đều rất nhiệt tình, trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với ngành và địa phương để việc giảng dạy cho con em được tốt nhất”, ông Trọng cho biết.
Bên cạnh đó, để giáo viên yên tâm giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới, không chỉ phòng giáo dục, địa phương mà các trường có sự hỗ trợ phù hợp. Trong đó, một số trường thì hỗ trợ xăng xe đi lại cho giáo viên. Đơn vị tiến hành khảo sát khoảng cách giữa các trường, phân công hợp lý để thuận tiện cho giáo viên di chuyển, không để khoảng cách đi lại quá xa, vất vả, áp lực cho giáo viên.
“Giảng dạy liên trường ít nhiều đều gặp những khó khăn, áp lực riêng. Thế nhưng, các giáo viên luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, làm tốt trách nhiệm của mình, từng bước đưa kiến thức tin học, ngoại ngữ đến với trẻ em”, ông Trọng thông tin thêm.
Theo ông Trọng, việc phân công giáo viên dạy liên trường chỉ là biện pháp trước mắt, tạm thời ứng phó với “bài toán” thiếu giáo viên và bảo đảm quyền được học tập đầy đủ các môn học của học sinh. Trên thực tế, việc dạy, học liên trường thì giáo viên phải "phân thân" rất vất vả mà học sinh cũng thiệt thòi. Do đó, về lâu về dài, ngành Giáo dục mong muốn được bổ sung biên chế hoặc kinh phí hợp đồng để việc dạy và học của giáo viên, học sinh được bền vững.