Đời sống

Đắk Nông sắp xếp lại trường học góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Đặng Dương 13/09/2024 05:30

Đắk Nông thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập trên địa bàn, góp phần tinh gọn bộ máy lãnh đạo, sắp xếp lại biên chế giáo dục và nâng cao chất lượng dạy học.

Tinh gọn bộ máy quản lý

Năm 2020, Trường tiểu học -THCS) Phan Đình Giót, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường tiểu học Phan Đình Giót và THCS Lý Tự Trọng.

Sau khi sáp nhập, cán bộ quản lý của nhà trường chỉ còn 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó, thay vì 2 hiệu trưởng và 4 hiệu phó như trước đây. Ngoài ra, nhiều chức danh như tổ chức công đoàn, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn cũng được sắp xếp lại, thuận lợi cho việc quản lý, điều hành.

Ông Nguyễn Khắc Nghị, Hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Phan Đình Giót cho biết, những ngày đầu khi thực hiện sáp nhập, nhà trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc sáp nhập đã đạt được nhiều mục tiêu, nhất là việc sử dụng cơ sở vật chất và tinh giản biên chế lãnh đạo.

“Việc thu gọn, sáp nhập các trường, lớp đã phát huy tốt công năng cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn các điều kiện hoạt động giảng dạy, học tập. Sau 5 năm sáp nhập, biên chế giáo dục được tinh giản, sắp xếp lại theo hướng ưu tiên cho giáo viên trực tiếp đứng lớp”, ông Nghị cho hay.

img_9341.jpg
Theo đánh giá, việc sáp nhập đã đạt được nhiều mục tiêu, nhất là việc sử dụng cơ sở vật chất và tinh giản biên chế lãnh đạo

Tương tự, năm 2019, Trường tiểu học-THCS Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong được thành lập trên cơ sở Trường tiểu học Trần Quốc Toản và một số lớp nhô (lớp 6,7,8 dành cho học sinh THCS).

Việc sáp nhập góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức các hoạt động dạy học khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, học sinh được tiếp cận đầy đủ với các trang thiết bị phục vụ học tập và không phải đi quãng đường xa tới trung tâm xã Đắk Ha để học bậc THCS.

Ông Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Trần Quốc Toản cho biết, trước đây, tại thôn 4 chỉ có một trường tiểu học mà không có trường THCS. Việc thành lập trường liên cấp, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường mà còn giải quyết vấn đề biên chế giáo dục.

“Nếu thành lập trường THCS thì sẽ cần có một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học. Tuy nhiên, khi thành lập trường liên cấp, sẽ không phát sinh biên chế cán bộ quản lý và nhân viên trường học”, ông Khanh cho hay.

Giảm áp lực cho giáo viên

Cũng giống như các địa phương trong cả nước, tỉnh Đắk Nông gặp phải tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và mất cân đối trong việc bố trí giáo viên giữa các môn học, các trường.

Cụ thể, có môn học có trường thừa giáo viên, nhưng có môn học lại thiếu giáo viên. Tình trạng này dẫn đến thực tế, có đơn vị thừa giáo viên, nhưng vẫn phải hợp đồng lao động giáo viên dạy các môn khác còn thiếu.

Hinh 2
Đến nay huyện Đắk Glong đã có 3 trường học liên cấp được thành lập trên cơ sở sáp nhập trường tiểu học và THCS

Huyện Đắk Glong là một trong số các địa phương của tỉnh Đắk Nông gặp áp lực về thiếu giáo viên trong nhiều năm liền. Thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập, đến nay địa phương này đã có 3 trường học liên cấp được thành lập trên cơ sở sáp nhập trường tiểu học và THCS.

Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong cho biết, đề án thực hiện sáp nhập trường học đã mang lại hiệu quả tích cực. Bộ máy trường, lớp học bảo đảm tinh gọn, chặt chẽ và thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. Trường học sau khi sáp nhập có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, tạo niềm vui phấn khởi trong cán bộ, giáo viên, chính quyền, phụ huynh, học sinh khi chất lượng giáo dục được cải thiện nhiều so với trước đây.

Vẫn theo bà Hằng, sáp nhập trường học từng bước phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp, giúp các trường khai thác hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Với học sinh, các em được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học. Đồng thời, đề án đã giúp tinh giản bộ máy, giảm được biên chế quản lý, nhân viên, tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.

“Sau khi sáp nhập, các trường phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên, nhân viên, nhất là các môn Giáo dục thể chất, tiếng Anh và Tin học… Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện Đắk Glong sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sáp nhập trường hoặc thành lập trường liên cấp để tạo thuận lợi cho việc dạy và học, góp phần giảm áp lực thiếu giáo viên”, bà Hằng nói.

Hinh 1
Trường tiểu học-THCS Võ Thị Sáu (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) là trường liên cấp được thành lập theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Ông Phan Văn Tấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp đánh giá, việc sắp xếp, thu gọn các điểm trường là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh ngành Giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sáp nhập các trường học có quy mô nhỏ trong cùng địa bàn góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối quản lý, bớt chi ngân sách; tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị; tránh việc đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất một cách dàn trải trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.

“Số biên chế cán bộ quản lý, nhân viên trường học dôi dư sau khi sáp nhập trường sẽ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế hàng năm. Điều này góp phần giảm áp lực cho giáo viên (nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế), giúp các thầy cô yên tâm đứng lớp. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi kiến nghị không cào bằng trong tinh giản biên chế để bảo đảm số lượng giáo viên đứng lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT”, ông Tấn nói thêm.

Năm 2019, tỉnh Đắk Nông ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đề án, sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh giảm được 33 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT và 2 trung tâm trực thuộc Sở GD-ĐT. Tổng số cán bộ quản lý giảm là 30 và hơn 60 nhân viên trường học.

Đặng Dương