Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Chiều 11/9, tại TP. Cao Bằng (Cao Bằng) diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO.
Về phía Trung ương, có đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tham dự.
Về phía tỉnh Cao Bằng, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng dự.
Về phía tỉnh Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông dự.
Về phía quốc tế, bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên; ông Nickolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và các đại biểu thuộc APGN của 10 nước tham dự.
Tại chương trình kỷ niệm, các đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng nhau ôn lại chặng đường 20 năm thành lập và phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO.
Năm 2001, một số CVĐC quốc gia ra đời và bắt đầu hợp tác với UNESCO trong công cuộc bảo tồn các giá trị địa học. Năm 2004, 17 CVĐC châu Âu và 8 CVĐC Trung Quốc đã cùng nhau tập hợp ở trụ sở UNESCO tại Paris để thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu (GGN). Đến tháng 4/2024, GGN đã phát triển được 213 CVĐC ở 48 quốc gia.
Mạng lưới hợp tác toàn cầu giữa các CVĐC trên toàn thế giới ra đời nhằm thúc đẩy ba mục tiêu chính bao gồm: bảo tồn di sản địa chất và hành tinh trái đất; giáo dục cộng đồng về khoa học trái đất; thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Đối với tỉnh Đắk Nông, tháng 11/2018, tỉnh chính thức đệ trình hồ sơ xin đăng ký gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Sau quá trình thẩm định, tháng 4/2020, CVĐC Đắk Nông được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO vào Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 tại Pháp. Ngày 7/2024, Đắk Nông thành công vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất năm 2023 và chính thức được công nhận lại danh hiệu “CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, giai đoạn phát triển mới 2024-2027.
Có thể nói, đối với CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói riêng và các thành viên nói chung, việc tham gia vào Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO giúp các CVĐC có thể quảng bá, bảo tồn các di sản quốc gia và hưởng được nhiều lợi ích thông qua việc trao đổi và hợp tác toàn cầu trong mạng lưới.
CVĐC toàn cầu UNESCO đã và đang ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc thu hút các quốc gia thành viên và cộng đồng tham gia vào khoa học trái đất và bảo tồn địa di sản.