Lâm Đồng: Một xã vùng sâu đi lên từ nông nghiệp công nghệ cao
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:35, 10/09/2024
Xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chủ yếu canh tác cà phê, bắp đậu và để vườn tạp, song hiệu quả kinh tế chưa cao. Khoảng 5 năm trở lại đây một số bà con nông dân ở xã Đà Loan đang thay đổi nhanh chóng tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động tiếp cận những mô hình mới, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm không chỉ dừng lại ở thành phố lớn, các vùng có điều kiện thuận lợi mà đã phát triển lan toả đến các xã ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng.
Với mong muốn sớm thoát khỏi thu nhập thấp và trung bình, năm 2019, anh Lò Văn Dũng ở thôn Đà Thọ, xã Đà Loan quyết định đầu tư 6.000 m2 để trồng cây cà chua và dưa leo baby. Mô hình được đầu tư đồng bộ theo hướng ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới tiết kiệm hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Dũng vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thông qua các khoá tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ sự ham học hỏi và tinh thần cầu tiến, anh Lò Văn Dũng dần dần làm chủ các kỹ thuật trồng dưa leo baby, cà chua trong nhà kính để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là một sự thay đổi khá táo bạo từ sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù đầu ra vẫn còn phụ thuộc vào thị trường nhưng so với sản xuất truyền thống việc chuyển sang trồng dưa leo baby, cà chua ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế và giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê.
Anh Lò Văn Dũng cho biết: “Khi trồng trong nhà kính sâu bệnh hại dưa leo baby, cà chua có thể kiểm soát được, đối với dưa leo baby từ khi ươm cây giống đến khi trồng khoảng 15 ngày, sau khi trồng khoảng 45 ngày bắt đầu cho thu hoạch; còn cà chua từ khi ươm cây giống đến khi trồng khoảng 35 - 55 ngày (ươm cây con hoặc ghép cây) sau trồng 75 ngày bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong thời đại ứng dụng công nghệ 4.0 hiện nay”.
Ông Nguyễn Công Hiệp, Bí thư Đảng uỷ xã Đà Loan cho biết: “Với sự quyết tâm, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm của anh Lò Văn Dũng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, Đảng uỷ xã đang định hướng, vận động nông dân liên kết sản xuất tạo thành chuỗi để khi sản xuất đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Sự tích cực của người dân cũng như sự quan tâm, khuyến khích hỗ trợ của chính quyền địa phương đang tạo ra làn gió mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở xã Đà Loan. Hiện nay, trên địa bàn xã Đà Loan có 20 hộ nông dân tham gia sản xuất rau, hoa thương phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 10 ha. Những mô hình này mang về nguồn thu nhập tiền tỷ/năm/ha cao gấp hàng chục lần so với cây trồng truyền thống trước đây. Hướng đi đó đang được xã Đà Loan tiếp tục đẩy mạnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương giúp nông dân nâng cao thu nhập, sản xuất bền vững trong thời gian tới.