Nông dân Đắk Nông chú trọng sản xuất theo thị trường
Với phương châm sản xuất theo thị trường, nông dân Đắk Nông đã tập trung vào nhiều loại nông sản có giá trị, quy mô hàng hóa.
Vụ mùa (gồm hè thu và thu đông) năm nay, Đắk Nông gieo trồng hơn 70.500ha cây trồng các loại. Trong đó, vụ hè thu hơn 51.700ha, vụ thu đông hơn 18.700ha.
Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tiến hành thu hoạch cây trồng vụ hè thu với kết quả nhiều thắng lợi. Nông dân cũng đang chuẩn bị các bước để xuống giống vụ thu đông.
Ngay từ đầu vụ mùa, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện đồng bộ lịch thời vụ, nhân rộng các mô hình giống cây mới có năng suất cao, chất lượng, ít bị sâu bệnh thay thế dần những giống cây cũ, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, nhiều nông hộ, hợp tác xã (HTX) cũng áp dụng các biện pháp sản xuất theo hướng chuyên canh, đa canh, kết hợp sản xuất sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút chủ yếu trồng bắp lai, đậu các loại, thu nhập chỉ là "lấy công làm lời". Vụ mùa này, bà Lan chuyển sang trồng bắp ngọt vì nhu cầu bắp tươi của thị trường trong và ngoài tỉnh rất cao.
Bà Lan cho biết: “So với trồng bắp lai, đậu xanh, đậu phộng thì trồng bắp ngọt cho hiệu quả hơn. Gia đình trồng 1ha bắp ngọt có thu nhập cao gấp 2 lần so với bắp lai thương phẩm”.
Theo bà Lan, hiện tại, giá bắp bán tại rẫy trên 2.000 đồng/quả. Còn bán sỉ từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Năng suất bắp ngọt vụ hè thu cũng khá cao, có thể đạt từ 12 – 15 tấn/ha, cao hơn bắp lai 1,5 lần. Sau khi trừ chi phí, cây bắp ngọt cho lợi nhuận khoảng từ 50 – 60 triệu đồng/ha.
Còn gia đình ông Triệu Văn Ý ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô canh tác hơn 1ha lúa nước. Hơn 2 tháng nay, để ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt chất lượng thương phẩm theo yêu cầu của đơn vị thu mua, ông Ý đã áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng”…
Ông Ý cho biết: “Tôi tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay. Để hạt gạo thương phẩm đạt tiêu chuẩn, tôi được các cấp, ngành cho tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh giúp sản phẩm đồng chất, đồng lượng với cánh đồng mẫu”.
Bên cạnh cây lúa, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, tiêu, cây ăn trái… cũng được người dân chú trọng ứng dụng đồng bộ trong vụ mùa này.
Từ đó, giúp cho sản phẩm các loại cây trồng của Đắk Nông khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 29.000ha cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ, với 14.860 nông hộ tham gia, tập hợp thành 250 nhóm sản xuất. Hàng năm, sản lượng cà phê có chứng nhận các loại của Đắk Nông đạt trên 93.350 tấn.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông, việc triển khai sản xuất vụ mùa được các cấp, ngành chuyên môn chú trọng trong từng thời điểm, giai đoạn phát triển của cây trồng.
Trong đó, ngành Nông nghiệp thường xuyên triển khai công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, ưu tiên áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ…
Vụ mùa là giai đoạn sản xuất trọng yếu, quyết định đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng chủ lực, cây lương thực nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, ổn định an ninh lương thực của tỉnh.
Vì vậy, ngành Nông nghiệp luôn chú trọng hướng dẫn các địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP.
"Ngành Nông nghiệp đặc biệt chú trọng xúc tiến thương mại, thương mại điện tử... để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả về số lượng và giá trị", ông Ngô Xuân Đông cho biết.