Khoa học

Bốn sai lầm phổ biến khi sử dụng lò vi sóng

Hoài Anh 08/09/2024 05:16

Mở cửa lò vi sóng khi đang hoạt động, hộc chứa quá chật hay ít vệ sinh có thể khiến thiết bị nhanh hỏng, giảm hiệu quả, gây nguy hiểm.

Đặt trong hộc tủ quá chật hẹp

Lò vi sóng cần đặt trong các hộc có khoảng trống đủ lớn,không để đồ vật lên trên làm hạn chế khả năng tản nhiệt. Ảnh: Hoài Anh
Lò vi sóng cần đặt trong hộc có khoảng trống đủ lớn, không để đồ vật lên trên làm hạn chế khả năng tản nhiệt. Ảnh: Hoài Anh

Theo Choice, nếu đặt lò vi sóng trong hộc tủ bếp, không gian kín thay vì mặt bàn thoáng, người dùng cần đảm bảo quanh lò đủ rộng để thiết bị có thể thoát nhiệt. Với các lò vi sóng kiểu truyền thống, khoảng rộng mỗi chiều tính từ bề mặt vỏ lò tới tường, cạnh tủ được khuyến cáo là 10 cm, riêng mặt trên cần khoảng 20 cm. Kích thước này có thể lớn hơn chút nếu sử dụng loại lò đối lưu.

Ngày nay khi thiết kế bếp, người dùng thường bố trí khu vực riêng cho lò vi sóng, lò nướng. Cần lưu ý vị trí đặt thuận lợi trong quá trình sử dụng, không đặt quá cao, gây nguy hiểm khi thao tác với đồ ăn. Phần mặt trước cũng không nên đặt bất kỳ vật nào gây cản trở tới quá trình sử dụng.

Mở cửa lò vi sóng khi đang hoạt động

Trong các nguyên tắc an toàn khi sử dụng lò vi sóng, yêu cầu đóng kín cửa lò luôn được nhiều hãng đặt lên hàng đầu. Các kỹ sư thiết kế lò vi sóng chỉ hoạt động khi cửa lò đang đóng kín nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng, tránh trường hợp đồ ăn nổ, văng xa.

Dù các model hiện nay đều trang bị tính năng tự ngắt khi cửa không kín hoặc bị mở ra đột ngột, thói quen bấm mở cửa trước khi tắt lò có thể dẫn tới một số hỏng hóc về cơ, mạch điện tử của thiết bị.

Để dừng quá trình hâm nóng đồ ăn giữa chừng, người dùng cần nhấn nút "Tạm dừng" với bảng điều khiển điện tử hoặc vặn núm cơ chỉnh thời gian về vạch 0 để lò dừng hẳn hoạt động, đèn tắt mới mở cửa lò.

Không vệ sinh thường xuyên

Vết bẩn trong lò vi sóng để lâu khó tẩy rửa và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của thiết bị. Ảnh: AARP
Vết bẩn trong lò vi sóng để lâu khó tẩy rửa và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của thiết bị. Ảnh: AARP

Người dùng được khuyến cáo nên vệ sinh lò vi sóng sau mỗi lần sử dụng bằng giẻ mềm hoặc khăn giấy để loại bỏ bớt hơi nước đọng cũng như thức ăn bám lại (nếu có) của lần sử dụng trước đó. Một số người có thói quen không đậy, dùng đia chắn đồ ăn trước khi quay nóng trong lò, có thể khiến dầu mỡ, mảnh vụn đồ ăn văng ra trong quá trình hâm nóng.

Theo chuyên gia Fiona Mair của Choice Kitchen, những mẩu vụn đồ ăn còn sót trong lò sẽ làm chậm quá trình đun nấu ở các lần sau. Thiết bị sẽ "nấu chín" luôn những thứ còn sót lại thay vì chỉ tập trung vào món ăn chính. Những vết bẩn lâu ngày có thể gây khó tẩy rửa hoặc sinh nấm mốc.

Để vệ sinh, chuyên gia khuyên người dùng cho vài lát chanh vào một bát nước rồi quay ở nhiệt độ cao khoảng ba phút trong lò, sau đó để cửa đóng khoảng 5 phút tiếp theo nhằm giúp hơi nước nóng làm mềm vết cáu bẩn. Tiếp theo, sử dụng giẻ bằng vải mềm, ẩm để lau sạch bên trong.

Tiếc lò vi sóng cũ đã hư hại

Theo Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA), sử dụng lò vi sóng an toàn chỉ khi thiết bị vẫn nguyên thiết kế ban đầu. Có nghĩa, bất kỳ thay đổi, hư hại đối với sản phẩm này đều có thể tiềm ẩn rủi ro mất an toàn. Các vấn đề có thể bao gồm hư hỏng bản lề cửa, hỏng lớp gioăng cao su, cong, vênh, móp bề mặt lò.

FDA khuyến cáo người dùng không "tiếc rẻ", không sử dụng sản phẩm có khiếm khuyết bởi "cố tình dùng lò vi sóng bị hở cửa hay nứt có thể làm rò rỉ bức xạ".

Nghiên cứu cấp liên bang của Mỹ đã chứng nhận lò vi sóng được cấp phép bán ra thị trường khi hoạt động sẽ phát lượng bức xạ thấp dưới mức có thể gây nguy hiểm cho cơ thể con người. Người dùng có thể yên tâm đứng gần lò vi sóng trong lúc nó hoạt động, miễn là thiết bị không có hư hỏng.

Hoài Anh