Nông dân Gia Lai nuôi cá lồng thu trăm triệu, trồng hồ tiêu, chanh dây cũng kiếm bộn tiền
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 08:20, 06/09/2024
Với hàng nghìn ha mặt nước hồ, nhất là các hồ thủy điện lớn, huyện Đak Đoa có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá lồng bè. Đặc biệt, với sự tham gia của các HTX, mô hình đang phát triển theo hướng an toàn sinh thái, giá trị gia tăng.
Hiệu quả sản xuất sạch
Tháng 9/2020, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh triển khai thêm mô hình nuôi cá lồng sinh thái trên hồ thủy điện Đak Krong.
Sau hơn 4 năm triển khai, mô hình đã và đang dần trở thành một trong những mô hình sản xuất điểm, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thành viên HTX đang có thu nhập bình quân 100-250 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá lồng đang cho thấy tiềm năng phát triển, mang lại thu nhập cao cho nông dân. |
Theo thống kê, toàn huyện Đak Đoa hiện có trên 100 hộ phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, tổng diện tích hàng nghìn ha. Những năm qua, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường cũng là hướng đi được huyện khuyến khích, chú trọng hỗ trợ các HTX, hộ chăn nuôi.
Để tăng hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện nuôi theo đúng mật độ, khoảng cách giữa các cụm lồng/bè phải bảo đảm theo quy định; khuyến cáo người nuôi không thả cá giống khi các yếu tố môi trường nước chưa bảo đảm.
Cùng với cá lồng, cây hồ tiêu cũng đang mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân ở Gia Lai. HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang là một trong những đơn vị điển hình trong sản xuất hồ tiêu ở Đak Đoa.
Để nâng cao giá trị sản xuất, nhiều năm qua, HTX đã đẩy mạnh hỗ trợ thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc HTX Nam Yang, cho biết hiện HTX đang sử dụng phần mềm quản lý xác định từng vườn, địa điểm sản xuất, ngày bón phân và định lượng bón, thu hoạch, chế biến... Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn, năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX nâng lên đáng kể.
Đến nay, HTX Nam Yang đã xây dựng thành công sản phẩm hồ tiêu hữu cơ, được Tổ chức quốc tế Union công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu.
Liên kết để thành công
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, thời gian qua, HTX Nam Yang cũng đặc biệt chú trọng khâu quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ. Cụ thể, HTX sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập website, đồng thời tham gia các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kết nối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“HTX hiện có 110 thành viên, canh tác 80 ha hồ tiêu và 120 ha cà phê. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn cao, an toàn, HTX đang có 6 sản phẩm đạt 3 - 4 sao OCOP cấp tỉnh”, đại diện HTX Nam Yang chia sẻ.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, bắt nhịp chuyển đổi số là chìa khóa giúp nhiều nông dân Gia Lai làm giàu. |
Không chỉ tại HTX Nam Yang, cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ đang diễn ra tại không ít các HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Điển hình như HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đăk TaLey, huyện Mang Yang) với mô hình trồng chanh dây.
Ông Hoàng Long Quân là một trong số những hộ nông dân đầu tiên mạnh dạn và đặt niềm tin khi tham gia mô hình liên kết trồng chanh dây của HTX Hùng Thơm Gia Lai. Từ năm 2019, sau khi được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây chanh dây của gia đình phát triển rất tốt. Không những thế, vườn chanh còn được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao nên kinh tế gia đình được cải thiện.
“Hiện, gia đình có 2.000 gốc chanh dây, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Để đạt được điều này, gia đình tôi phải thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc chanh dây theo chỉ dẫn của HTX, chủ yếu sử dụng phân chuồng để sản xuất theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, chanh dây luôn được HTX thu mua với giá rất cao”, ông Quân chia sẻ.
Được biết, những năm qua, HTX Hùng Thơm Gia Lai đã liên kết với hơn 150 hộ dân trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Kbang, Chư Prông… sản xuất hơn 300ha chanh dây. Trong đó, khoảng 80ha chanh dây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chỉ có đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ mới giúp các HTX, nông dân giải được bài toán thị trường, nâng cao giá trị canh tác, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hiện, các sản phẩm chế biến từ chanh dây của HTX đang được khách hàng tin dùng, một số dùng trực tiếp, một số làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo, món ăn”, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Hùng Thơm Gia Lai cho hay.
Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ
Có thể thấy, các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao ở Gia Lai.
Xét trên bình diện chung, Gia Lai là tỉnh có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Phát huy những lợi thế này, Gia Lai đã và đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Nông nghiệp Gia Lai đang phát triển theo hướng hữu cơ, đầu tư công nghệ và gắn liền với chuỗi giá trị.
Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 7.100 ha cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; có hơn 48.400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng 255.670 ha cây trồng sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO...
Với những kết quả đang có, tỉnh dự kiến tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao mức đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, hướng tới mục tiêu giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.