Để sản phẩm OCOP Đắk Nông rộng đường tiêu thụ
Đắk Nông có nhiều giải pháp tiếp cận thị trường cho sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng vào sự phát triển chương trình này.
Tạo lợi thế cạnh tranh về giá
Do chi phí đầu tư lớn nên các sản phẩm OCOP của Đắk Nông đang có giá bán cao hơn so với hàng hóa cùng chủng loại ngoài thị trường.
Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP 3 sao, bao gồm: hạt mắc ca sấy, rong biển kẹp hạt, thanh hạt dinh dưỡng.
Nhận thấy, nhu cầu về hàng hóa ngày một nhiều, trong khi, sức cạnh tranh lớn nên doanh nghiệp đã quyết định đầu tư mạnh cho mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến, phục vụ sản xuất.
Giám đốc công ty Trần Thị Dịu cho hay, trước đây, với công nghệ cũ, công suất nhỏ, sản phẩm làm ra tỷ lệ hao hụt rất nhiều. Thời gian tạo ra sản phẩm lâu nên phát sinh thêm nhiều chi phí.
Từ khi thay thế một loạt thiết bị mới, quá trình tạo ra sản được rút ngắn. Chất lượng sản phẩm đã nâng cao rõ rệt. Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp bán ra hoàn toàn tự tin cạnh tranh trên thị trường.
Tương tự, Cơ sở sản xuất Hoàng Hiền, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp năm nay cũng đang chuẩn bị đầu tư máy móc mới, với công suất sấy 1 tấn nguyên liệu/1 lần.
Thiết bị mới giúp nâng công suất sản xuất của cơ sở lên gấp 5 lần so với trước, đáp ứng được những đơn hàng lớn của đối tác. Sản phẩm cũng dễ dàng cạnh tranh về giá trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở KH-CN Đắk Nông Đặng Văn Tin chia sẻ, nhằm hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất, giảm bớt chi phí đầu vào, ngành đang tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2025”.
Đến nay, Đắk Nông đã hỗ trợ được 7 doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nội dung hỗ trợ chủ yếu là đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, đăng ký nhãn hiệu, đổi mới mẫu mã, bao bì…
Cùng với đó, nguồn kinh phí khuyến công của ngành Công thương cũng góp sức chia sẻ thêm nhiều gánh nặng cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm.
Trong giai đoạn 2016 - 2024, Đắk Nông đã triển khai thực hiện 94 đề án khuyến công, hỗ trợ các đơn vị mạnh dạn đầu tư, đổi mới, ứng dụng các máy móc, thiết bị vào hoạt động sản xuất. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ là hơn 25,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đi đôi với những hỗ trợ này, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các chủ thể OCOP của Đắk Nông phải hình thành được điểm khác biệt của mình so với các sản phẩm cùng loại.
Bởi nếu làm sản phẩm đại trà thì sẽ không có lợi thế về giá, phải bán giá thấp để cạnh tranh. Nhưng nếu làm sản phẩm ở quy mô nhỏ, có sự khác biệt, độc đáo riêng, sẽ có lợi thế cạnh tranh và giá bán sản phẩm tốt hơn.
Kết nối để lan tỏa
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo và rượu đông trùng OCOP 3 sao của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa, TP. Gia Nghĩa hiện đang có mặt ở nhiều thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ông Đinh Xuân Nhu, đại diện công ty cho biết, sản lượng sản xuất của đơn vị hiện đã tăng gấp 3 lần so với năm trước. Doanh nghiệp đã mở được các cơ sở phân phối sản phẩm ở các tỉnh, thành trong nước và Co.opmart Đắk Nông.
Công ty đang phát triển thêm 2 sản phẩm mới, đó là yến đông trùng hạ thảo và sâm đông trùng hạ thảo. Hiện tại, máy móc, thiết bị và kỹ thuật phục vụ sản xuất nấm đông trùng của doanh nghiệp đã được hoàn thiện.
Doanh nghiệp mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn nữa các sự kiện kết nối giao thương, để tìm kiếm, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất và đưa sản phẩm đi xa hơn trên thị trường.
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đắk Nông, thời gian qua, ngành Công thương đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá sản phẩm đến với người dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng.
Riêng năm nay, Sở Công thương đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP đi xúc tiến thương mại tại Lâm Đồng, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, An Giang...
Qua các hoạt động, sản phẩm OCOP của Đắk Nông được quảng bá, giới thiệu đến nhiều địa phương, được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn.
Địa phương cũng tích hợp việc giao thương hàng hóa qua những lần tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, ký kết hợp tác trực tiếp, với việc liên kết công bố sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, đặc thù các mặt hàng OCOP này sinh ra từ làng và do chính tay người nông dân làm ra theo kinh nghiệm gia đình nên nhìn chung còn hạn chế về quy mô, cũng như việc kinh doanh qua mạng.
Chính vì thế, đơn vị kỳ vọng, kết nối thương mại điện tử sẽ giúp các chủ thể OCOP tự tin lan tỏa sản phẩm, vượt qua khó khăn ban đầu để tận dụng nền tảng số trong kinh doanh. Từ đó phát triển lâu dài, bền vững với kinh tế địa phương.
Truyền thông cho sản phẩm
Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay tạo cho các chủ thể OCOP một lợi thế về quảng bá sản phẩm chất lượng.
Có sản phẩm tốt, nhưng thị trường vẫn bấp bênh. Nhận thấy rõ hạn chế này, hơn một tháng nay, Công ty cổ phần Godere, TP. Gia Nghĩa đã quyết định đầu tư cho lĩnh vực truyền thông sản phẩm.
Doanh nghiệp hiện đang thuê một nhân sự tại TP. Hồ Chí Minh để xây dựng hình ảnh sản phẩm một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Bước đầu của hoạt động này sẽ là tiếp cận khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng đánh giá sản phẩm. Tiếp đó, đơn vị sẽ phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm để có chiến lược tiếp cận người tiêu dùng về lâu dài.
“Khi khách hàng biết, hiểu về sản phẩm, tự khắc sẽ tìm tới để mua và trải nghiệm nhiều hơn”, Giám đốc công ty Trần Thị Thủy Tiên nhận định.
Cũng nhận thấy việc marketing cho sản phẩm là rất quan trọng, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa đã không ngần ngại đầu tư truyền thông mạnh cho sản phẩm OCOP của mình.
Doanh nghiệp đã tự quay, chụp, thông tin hàng ngày cho sản phẩm thông qua các mạng xã hội, fanpage của công ty. Lượng khách hàng biết và hiểu thêm về quy trình chế biến, các sản phẩm hiện có của doanh nghiệp ngày một nhiều.
"Marketing đối với các sản phẩm OCOP là một chiến lược. Chúng tôi sẽ dành một khoản chi phí phục vụ cho hoạt động này. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tạo dựng cho sản phẩm của mình những dấu ấn riêng biệt, đặc trưng để lôi cuốn người tiêu dùng”, bà Dịu chia sẻ.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho hay, việc đạt các tiêu chí OCOP đã khó, song việc duy trì và phát triển sản phẩm còn khó khăn hơn.
Vì vậy, để các sản phẩm OCOP phát triển được, các chủ thể cần chú trọng đến nâng cao chất lượng và mở rộng quảng bá trên các kênh thương mại, mạng xã hội.
Với kênh phân phối đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thành phố luôn mong mỏi được tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao của Đắk Nông.
Cùng với các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể Đắk Nông truyền thông và kết nối với các ngành hàng. Qua đó, cùng nhau chia sẻ thông tin về sản phẩm, về thị trường.
Trau dồi kỹ năng bán hàng
Bà Nguyễn Thị Toàn, chủ Cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp là một trong số những chủ thể sản xuất của Đắk Nông rất tích cực tham gia các lớp tập huấn về bán hàng.
Gần đây nhất, bà được tham dự và trải nghiệm kỹ năng bán hàng trên kênh Tiktok do Sở Công thương Đắk Nông tổ chức. Do không rành về công nghệ nên những buổi bán hàng đầu tiên của bà khá bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, bà Toàn cũng kịp nhận thấy rằng, với các kênh bán hàng dù mới hay truyền thống đều phải có sự đầu tư thật sự nghiêm túc.
Theo bà, trước tiên, đó là phải nắm rõ sản phẩm mình làm ra và xây dựng kế hoạch bán hàng dài hơi, cụ thể cho từng giai đoạn.
Người bán phải có sự chăm chút kỹ lưỡng cho sản phẩm của mình trước khi đưa đi chào bán. Đặc biệt, chủ cơ sở sản xuất phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ phía khách hàng.
Bà Toàn cũng mong muốn, để sản phẩm bán chạy, mỗi chủ thể sản xuất của Đắk Nông phải phấn đấu trở thành một “doanh nông”.
Tức là họ phải chủ động trong việc xác định bán sản phẩm nào, trên kênh nào, tại thị trường nào… để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho cơ sở của mình.
Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều chủ thể OCOP của địa phương do tiềm lực có hạn nên chỉ mới đầu tư cho sản xuất. Việc đầu tư, trau dồi những kỹ năng bán hàng cần thiết vẫn chưa được lưu tâm. Điều này khiến cho sản phẩm mình làm ra, dù tốt đến mấy vẫn phải vất vả mày mò để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông được phân chia thành nhiều ngành hàng khác nhau. Ngành hàng thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn nhất, với khoảng 60% trong tổng số 96 sản phẩm OCOP.