Giáo dục kiến thức bảo vệ môi trường

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:41, 04/09/2024

Để dạy trẻ các kỹ năng sống cần thiết và nâng cao kiến thức về thiên nhiên, gần đây, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng) đã triển khai mô hình du lịch trải nghiệm gắn với các hoạt động giáo dục ngoài trời như tìm hiểu tự nhiên và văn hóa địa phương cho đối tượng học sinh.

Mô hình đã góp phần giúp các em nhận thức về đa dạng sinh học, phát huy tính tích cực trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, cũng như những kỹ năng cần thiết trong quá trình tiếp cận không gian rừng.

Theo TS Lê Bửu Thạch, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền nam, Trưởng nhóm thiết kế tư vấn chương trình: “Giáo dục vì sự phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015. Bidoup-Núi Bà là Vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam xây dựng và vận hành chương trình này. Chương trình đặt mục tiêu phát triển môi trường học tập tương tác và năng động, nên các nội dung sẽ được xây dựng phù hợp từng độ tuổi, kiến thức, tâm lý và thể chất của học sinh; từ đó, sẽ giúp các em học sinh nâng cao trải nghiệm môi trường tự nhiên, hiểu về bảo tồn đa dạng sinh học và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần vào sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Cụ thể, các nhóm chủ đề chính mà các em học sinh sẽ được trải nghiệm là khám phá thiên nhiên với các hoạt động nhận dạng cây rừng, khám phá hệ sinh thái rừng, khảo sát các loài côn trùng, lưỡng cư bò sát, xem các loài chim, và tham gia các trò chơi tìm kiếm, quan sát các động vật hoang dã quý hiếm của Vườn quốc gia. Tiếp đến là nhóm hoạt động với nội dung sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tại đây, học sinh sẽ được tìm hiểu về giá trị sử dụng của cây rừng và tìm kiếm thức ăn trong rừng, giúp các em nhận thức rõ hơn về cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Đồng thời, để giáo dục học sinh về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của rừng trong việc hỗ trợ các hệ sinh thái đa dạng, chuỗi hoạt động về chủ đề bảo vệ môi trường sẽ triển khai các nội dung như ươm và trồng cây rừng, vệ sinh rừng, truyền thông bảo tồn. Khám phá, trải nghiệm không gian văn hóa các tộc người cũng là một nội dung mà các em được định hướng trong quá trình tiếp cận chương trình…

Chương trình này là một minh chứng thành công cho sự hợp tác liên ngành, tích hợp kiến thức khoa học với hoạt động giáo dục thế hệ trẻ, để từ đó, xây dựng, tiếp cận một cách hoàn thiện hơn về phát triển bền vững cũng như tăng cường sự lan tỏa trong cộng đồng. Từ những giá trị hữu ích thực tế, mô hình giáo dục này cần được nhân rộng ■

UÔNG THÁI BIỂU