Độc lập dân tộc gắn liền với tự do và hạnh phúc của Nhân dân
“Độc lập, tự do và hạnh phúc” không chỉ là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình đấu tranh dành độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước mà còn là một chân lý, mưu cầu của mỗi con người.
Nền tảng từ độc lập dân tộc
Đối với dân tộc Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử, vấn đề chủ quyền quốc gia, quyền độc lập, tự do của dân tộc luôn là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Điều này đã sớm được nhắc đến trong Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI hay Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV và trong Hịch đánh quân Thanh của Nguyễn Huệ ở thế kỷ XVII.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ về nước và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941) và quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc giành lại quyền độc lập, tự do lên trên hết. Thời điểm này, người khẳng định đặt quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Bởi muốn có được tự do, mưu cầu hạnh phúc cho dân, trước hết phải dành được độc lập. Độc lập là nền tảng để có được tự do, hạnh phúc.
Để thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, soạn thảo 10 chính sách của Việt Minh, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “Quyết làm cho nước non này, Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền…”
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Trên cơ sở thực tế và pháp lý bền vững đã được nêu lên trong các bản Tuyên ngôn độc lập của nước Pháp và nước Mỹ, bản Tuyên ngôn độc lập năm1945 đã khẳng định một cách dứt khoát quyền độc lập, tự do chính đáng của dân tộc Việt Nam mà không ai có thể chối cãi được.
Cách mạng tháng Tám thành công là kết quả của cả một quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài, là kết tinh, hun đúc khát vọng độc lập, tự do của dân tộc qua báo thế hệ. Ở Việt Nam, những người đầu tiên giương cao ngọn cờ chống giặc Pháp xâm lược là các vị vua ái quốc và sĩ phu Nho học yêu nước. Từ phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy là một chặng đường chống giặc bi tráng, dài lâu nhưng cuối cùng đều thất bại.
Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lịch sử khi giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ, Nhân dân để giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, xóa bỏ chế độ cũ và thiết lập, xây dựng nên chế độ mới, cuộc sống mới tiến bộ hơn.
Ngày 2/9/1945 trở thành mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam, mở ra một trang sử mới trong kỷ nguyên độc lập của dân tộc, cơ sở tiền đề để dân tộc Việt Nam thực hiện mục tiêu xuyên suốt, bất di, bất dịch đó là bảo về thành quả cách mạng, xây dựng đất nước của dân, do dân và vì dân.
Đến mưu cầu có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…
Độc lập dân tộc phải được gắn liền với tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Đó là mục tiêu nhưng cũng là nguyên tắc bất di bất dịch của Cách mạng Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới vấn đề cốt tử này. Từ năm 1946, Bác đã chỉ ra rằng: "Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Bác mong muốn: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân". Người còn căn dặn cán bộ ta: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của Nhân dân…" hay "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh…"
Hạnh phúc của Nhân dân, không gì khác cả, đó chính là ham muốn, ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh: “Ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành”.
Sau khi dành được độc lập, ngoài việc ra sức bảo vệ thành quả cách mạng to lớn đã đạt được, Đảng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến hai loại giặc đó là “giặc đói và giặc dốt”. Bởi thành quả của cách mạng là mang đến độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Hạnh phúc đơn thuần và căn bản nhất chính là Nhân dân được tự do, có cơm ăn, áo mặc, được học tập để nâng cao giá trị bản thân.
Trong bản Di chúc, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm và nhắc nhở Đảng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và thực hiện thật tốt các kế hoạch phát triển kinh tế để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt vấn đề xóa đói giảm nghèo và giáo dục thành Quốc sách hàng đầu trong xây dựng, thực thi chính sách.
Sau cách mạng tháng Tám thành công, từ một đất nước non trẻ thiếu cái ăn, cái mặc, lại phải dồn hết nguồn lực cho 2 cuộc đấu tranh chống lại đế quốc, đến nay, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam được thế giới công nhận như một kỳ tích mà không phải dân tộc nào cũng làm được.
Xóa đói, giảm nghèo trở thành mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn.
Những thành quả về xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam trong thời gian qua được Nhân dân cả nước ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá đây là một trong những thành công nổi bật nhất thể hiện ý nghĩa nhân văn của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD thì đến cuối năm 2023, con số này là 4.284 USD. Nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói giảm nghèo tăng từ 200 tỷ đồng năm 1993 lên 12.000 tỷ đồng năm 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%.
Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Tỷ lệ hộ tiếp cận điện có xu hướng tăng và đạt 99,5% vào năm 2022 với khoảng cách giữa thành thị - nông thôn được thu hẹp đáng kể, từ mức chênh lệch 1,3% xuống chỉ còn 0,1% trong giai đoạn 2018 - 2022.
Theo Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của UNDP, xếp hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107. Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.
Đối với giặc dốt, sau Cách mạng tháng Tám, xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp tiêu diệt giặc dốt là nhiệm vụ thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Ngày 8/9/1945, Người ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ. Trong bài Chống nạn thất học đăng trên Báo Cứu quốc ngày 4/10/1945, Người nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Chỉ trong một năm (từ tháng 9/1945 đến 8/1946), phong trào bình dân học vụ đã giúp cho hơn 2,5 triệu người biết chữ.
Giữa năm 1950, cả nước có gần 12,2 triệu người biết chữ; 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Đến năm học 1975 – 1976, năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, số trường đại học tăng 19,5 lần, trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 29,1 lần, số sinh viên tăng 50,9 lần so với năm học 1955 – 1956…
Qua các giai đoạn phát trển, nhất là từ khi đất nước đổi mới, giáo dục Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới biết đến về các thành quả trong giáo dục đại trà và chuyên sâu. Không chỉ thành công xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, học sinh, sinh viên Việt Nam còn được biết đến với những giải cao, danh giá của thế giới.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới, trong đó có một số điểm nổi bật như: thay vì chỉ nhấn mạnh vào “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo” như trước đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”. Phương hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xác định theo hướng mới: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.
Và khát vọng đất nước hùng cường, hạnh phúc
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã và đang hiện thực hóa mục tiêu “độc lập, tự do và hạnh phúc”. Từ chỗ độc lập về chủ quyền, tự do về quyết định vận mệnh, cuộc sống, hạnh phúc khi có cơm ăn, áo mặc, khi được học hành, Việt Nam đang hướng tới những khát vọng cao hơn.
Bên cạnh quyết tâm giữ vững chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam cũng là quốc gia được biết đến với việc tham gia tích cực các hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam xác định đã và sẽ đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự du nhập các yếu tố văn hóa phi truyền thống…
Trước thực tế đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, quản lý với mục tiêu phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng tầm đất nước trên trường quốc tế.
Từ đây, Việt Nam đang là điểm đến của hàng triệu du khách, các nhà đầu tư và nhiều chính khách. Với khí hậu trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, yêu chuộng hòa bình, không chỉ được biết đến với những bứt phá ngoạn mục ở nhiều chỉ số phát triển, Việt Nam đang được đánh giá cao về chất lượng cuộc sống.
Theo kết quả khảo sát của Internations (năm 2023), mạng lưới người nước ngoài toàn cầu với hơn 4 triệu thành viên, Việt Nam lọt top 15 quốc gia đáng sống nhất thế giới.
Qua công bố các chỉ số như: chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc những năm gần đây, Việt Nam đang ghi nhận những thành công lớn. Đơn cử, Chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam đã tăng 11 bậc, từ vị trí 65 vào năm 2023 lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình 6,043.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. HDI của Việt Nam đã liên tục tăng lên trong những năm gần đây. Theo đó, Việt Nam đã chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm cao từ năm 2019 đến nay.
Trước đó, công bố Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Việt Nam cũng là quốc gia ghi nhận có nhiều khởi sắc về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 32% so với 2022 và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây. Nguồn vốn thực hiện đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD. Chỉ tính 2 tháng đầu năm 2024, dòng vốn ngoại vẫn tích cực “đổ bộ”, đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Những chỉ số trên phần nào minh chứng về một Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là minh chứng thuyết phục cho mục tiêu xuyên suốt, bất di, bất dịch của Đảng, Nhà nước đó là độc lập dân tộc gắn với tự do dân chủ, hạnh phúc của Nhân dân. Hạnh phúc giờ đây không đơn thuần là cơm ăn, áo mặc mà người dân Việt Nam có quyền được thụ hưởng cuộc sống hòa bình, văn minh, trong lành và nhân ái, nghĩa tình.